Giỏ hàng

12 hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm

Ngày 19/02 âm lịch hằng năm đã trở thành một lễ hội lớn của các ngôi chùa, tự viện trên khắp cả nước. Hình ảnh Bồ Tát luôn gắn với đời sống tâm linh của mỗi vị tu hành và bà con phật tử. 

Ý nghĩa hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm

“Trong Kinh Bi Hoa, đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói rằng: Đức Quân Âm là thái tử, con trai của vua Vô Tránh Niệm. Lúc đó, có một vị Phật danh là Bảo Tạng Như Lai đã nhận thức được các đạo lý tối cao, vua và thái tử phát tâm bồ đề rất lớn nên theo học để sau này có thể thành Phật và giúp chúng sinh muôn nơi thoát khỏi khổ đau, sớm có ngày thành đạo.

Ban đầu, vua và vị thái tử thành kính dâng lên Phật và các vị chư tăng thức ăn, đồ dùng như chăn, gối, màn, bát, đũa, thuốc trong ba tháng. Nhờ vào sự chân thành, tôn kính, cố gắng tu luyện, vua và thái tử đã được chứng thành Phật. Vua Vô Tránh Niệm được chứng thành Phật và phát nguyện 48 lời thề nguyện để tế độ tất cả chúng sinh, lấy hiệu là Phật A Di Đà. Còn thái tử chứng thành bậc Đại Bồ Tát, hiệu là Quan Thế Âm. Bồ tát và Phật A Di Đà cùng dẫn dắt chúng sinh trở về cõi Cực Lạc.”

Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho sự yêu thương, cho sự đại từ, đại bi. Ở nơi đâu có khổ đau, có khó khăn thì Ngài luôn xuất hiện ở đó, giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn. Do đó ở văn hóa phương Đông, Bồ Tát Quán Thế Âm được quan niệm là hình ảnh phụ nữ, được ví như người mẹ hiền luôn luôn lo lắng, yêu thương, giúp đỡ con cái của mình.

Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ có một nhưng tùy theo sự ứng hiện của Ngài mà có tên gọi tương ứng. Ví dụ như: 

  • Đức Quan Âm tay phải cầm cành dương liễu tay trái cầm tịnh bình gọi là Dương Liễu Quan Âm. Bổn nguyện của Ngài là bạt trừ cứu độ những bệnh khổ của chúng sinh; vì chúng sinh thân nhiều khổ nạn nên Ngài cầm cành dương. Dương liễu mềm mại biểu trưng cho đức tướng ôn hòa nhẫn nhục của Quán Thế Âm Bồ Tát.
  • Đức Quan Âm cầm bình thuốc thì gọi Thí Dược Quan Âm. Ngoài việc trị bệnh khổ của chúng sinh về thân và tâm, Quán Thế Âm Bồ tát còn ban bố cho chúng sinh lương dược.
  • Đức Quan Âm cầm giỏ cá gọi là Ngư Lam Quan Âm, chuyên trừ bỏ chướng ngại của La Sát, Rồng độc, Quỷ ác…
  • Đức Quan Âm cưỡi trên đầu rồng là Long Đầu Quan Âm, được cho là hóa thân Trời, Rồng, Dạ Xoa trong 32 thân của Quan Âm để giáo hóa hàng Trời, Rồng. Bởi loài Rồng là vua trong các loài thú, được ví như uy thần của Quan Âm.
  • Đức Quan Âm mặc áo trắng là Bạch Y Quan Âm. Toàn thân Ngài mặc y trắng, ngồi kết già trên hoa sen trắng, đầu đội khăn, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết dữ nguyện ấn. Màu trắng biểu ý Thanh Tịnh và Tâm Bồ đề, xưa nay mọi người lễ bái Ngài để cầu tiêu tai, trường thọ…

Tổng cộng có tất cả 33 thân tướng Quán Âm, gọi là tam thập tam ứng thân Bồ Tát Quán Thế Âm.

12 hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm

12 Hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm

  • Nguyện thứ nhất: Phật Viên Thông Thánh Tự Tại, Quán Âm Như Lai rộng phát hoằng thệ nguyện
  • Nguyện thứ hai: Quyết một lòng không sợ khó, Quán Âm Như Lai thường vào Biển Đông nguyện
  • Nguyện thứ ba: Ở ta bà, vào Địa phủ, Quán Âm Như Lai cứu với chúng sinh nguyện
  • Nguyện thứ tư: Diệt tà mà trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai dứt trừ nguy hiểm nguyện
  • Nguyện thứ năm: Tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu, Quán Âm Như Lai ban nước cam lồ nguyện
  • Nguyện thứ sáu: Đại Từ bi, Đại Hỷ xả, Quán Âm Như Lai oán thân bình đẳng nguyện
  • Nguyện thứ bảy: Suốt ngày đêm luôn quán sát, Quán Âm Như Lai diệt trừ đường ác nguyện
  • Nguyện thứ tám: Phổ Đà Sơn thường lễ bái, Quán Âm Như Lai gông cùm đứt rã nguyện
  • Nguyện thứ chín: Tạo pháp thuyền vào biển khổ, Quán Âm Như Lai độ tận chúng sinh nguyện
  • Nguyện thứ mười: Tiền Tràng phan, hậu Bảo cái, Quán Âm Như Lai tiếp dẫn Tây phương nguyện
  • Nguyện thứ mười một: Vô Lượng Thọ cảnh giới, Quán Âm Như Lai Di Đà thọ ký nguyện
  • Nguyện thứ mười hai: Thân trang nghiêm, tâm sáng suốt, Quán Âm Như Lai tròn đủ mười hai nguyện.

Bồ Tát Quán Thế Âm là đại diện cho tình yêu thương, đại từ đại bi; do đó ở bất cứ nơi nào có khổ đau, ở đó Ngài ứng hiện cứu khổ. Ngày vía đức Bồ tát Quán Thế Âm chúng ta nên phát nguyện làm điều thiện, phóng sinh, học hạnh nguyện nhẫn nhục, từ bi của Ngài, lắng nghe sự thống khổ của tất cả mọi người để hiểu rõ và cảm thông nhau hơn. Từ đó mà lòng từ bi được tăng trưởng.

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

0977023696
article