Công đức cúng dường hương thơm
Hương (nhang) là một loại nghi vật cúng dường trong Phật giáo. Hương thơm trầm ấm làm tiêu trừ uế khí, giúp cho tinh thần dễ tập trung chánh niệm, tiêu biểu cho lòng thành kính.
Nguồn gốc của việc cúng dường hương thơm
Truyền thống thắp hương cúng Phật trong Phật giáo có từ thuở đức Phật còn tại thế. Trong Kinh Trường A Hàm - quyển thứ hai Kinh Du Hành có ghi: “Đệ tử của Phật vì đức Thế Tôn cất tịnh xá to lớn, chỉnh lý sửa sang quét dọn lại sân vườn, đốt hương cúng dường.” Từ những đặc điểm trên, nhang hương đã trở thành vật phẩm hữu ích và quý giá mà chỉ có tầng lớp Bà la môn, hoàng gia, quý tộc mới có đủ điều kiện để sử dụng và dần dần trở thành cúng phẩm quý giá của những người thuộc các giai cấp dâng lên hiến cúng thần thánh trong các nghi tiết tôn giáo.
Đức Thích Tôn thành đạo Bồ đề bậc tôn quý nhất trên cõi trần, Thầy của trời người, cho nên chẳng những loài người dâng hết thảy các loại hương báu để cúng dường Ngài, mà chư Thiên cũng đem vô vàn các loại thiên hương đến cúng dường Phật. Vì vậy xông hương, thắp hương, ướp hương cúng dường Phật là một nghi thức để đệ tử tỏ lòng cung kính cúng dường đối với đức Phật, là nghi tiết không thể thiếu đối với tín đồ Phật giáo: “Nguyện thử diệu hương vân, biến mãn thập phương giới, cúng dường nhất thiết Phật, Tôn Pháp chư Bồ Tát, vô biên Thanh Văn chúng, cập nhất thiết Thánh Hiền.”
Ảnh minh họa: Tập thể Công ty Trầm Tuệ dâng hương lễ Phật hoàng tại Yên Tử
Tăng Sử Lược chép: “Sử dụng hương để tiêu trừ uế khí, khiến cho tinh thần sảng khoái, hương là sứ giả của lòng tin”.
Các loại hương được sử dụng
Hương có nhiều loại như: Hương bột, hương nén, hương dây (kiểu như hương vòng/nhang vòng hiện nay)
- Hương bột: Là phấn bột của hương, dùng để đốt xông khử trừ mùi hôi, có khi dùng để thoa trên những chi phần lộ ra ngoài của thân, để ngăn ngừa muỗi cắn, cho nên cũng gọi là “Hương xoa”. Tục xông hương, đốt hương hoặc thoa hương lên người có nguồn gốc từ Ấn Độ, do khí hậu khô nóng, thường ra mồ hôi cho nên thoa hương lên người để trừ khử mùi hôi. Thứ nữa thời tiết nóng nực khô hanh thường làm cho không khí oi bức khó chịu, xông hương lên làm tan đi cảm giác khó ở giúp không gian thơm nhẹ, dễ chịu. Vậy nên người Ấn Độ thường xông hương trong nhà.
- Hương dây: Hay còn được gọi là Tuyến hương. Trong tài liệu xưa có ghi chép: Nói là Tiên hương, tức là lấy bột của các loại hương trộn thêm hồ keo vào để làm. Khi đốt làn khói lan tỏa kéo dài cho nên thường gọi là Tiên hương, Trường thọ hương. Lúc cháy có hình dài như sợi dây cho nên gọi là Hương dây.
- Biện hương: Là cây đàn hương, chặt chẻ ra thành từng miếng nhỏ, nhân vì gỗ đàn là loại tốt nhất, cho nên gọi là Biện hương, cũng là Đại hương. Từ xưa đến nay một vài Trưởng lão tôn túc lúc niêm hương không luận là cầm loại hương gì, nhưng đa phần là khởi đầu bằng câu: “Thử nhất biện hương…” (Tức một nén hương này…)
Ảnh minh họa: Tập thể Công ty Trầm Tuệ dâng hương tại Huệ Quang Kim Tháp - nơi đặt một phần xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Có khi gọi là Trung hương, Tín hương, theo Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Trung hương là nói đại hương một nén, trung hương hai nén”. Còn nói về tín hương thì theo Tổ Đình Sự Uyển chép: “Nương vào nén hương để biểu đạt lòng tin vậy”.
Lại có một loại nữa là Bàn hương, nó là một loại hương dây nhưng đốt trong thời gian dài mới hết, uốn thành vòng tròn nhiều lớp (hình dáng như hương vòng/nhang vòng). Loại hương này khi chưa khô người ta uốn thành các chữ: Phước, Lộc, Thọ, gọi là Phước thọ hương, loại này được sử dụng trong buổi lễ khánh thọ.
Người xưa có nhiều cách dùng hương và mỗi cách lại có tên gọi riêng. Ví như trước đức Phật đốt hương gọi là Thiêu hương, Niêm hương. Treo ở phòng nhà để trừ uế khí gọi là Huyền hương; bạn bè hội họp so hương hơn kém gọi là Đấu hương,…
Vào thời đức Phật còn tại thế, Ngưu đầu chiên đàn hương là loại quý nhất. Quyển 3, kinh Thủ Lăng Nghiêm chép: “Hương này nếu đốt một thù (1/24 lạng) trong khoảng 46 dặm thành Thất La Phiệt đều nghe mùi”. Sau này, khi tạo ra các loại hương quý người ta thường dùng Trầm hương hay Chiên đàn hương.
Ý nghĩa nghi lễ dâng hương cúng Phật
Đốt hương cúng Phật là một nghi lễ thành kính, trang nghiêm phước đức. Chúng ta nương vào vật để biểu trưng tâm thanh tịnh thành kính, nhận ra công đức nơi tự tánh. Dùng hương cúng dường Phật là pháp môn cúng dường thù thắng, đồng thời thể hiện tấm lòng cung kính đối với Phật và tượng trưng cho phiền não đã được gột rửa, thân và tâm cảm thấy được an lạc, được như vậy mới đúng như ý nghĩa cúng dường Phật. Trong các Kinh Đại Thừa hầu như luôn có những phần nói về cúng dường hương cho Phật.
Trong Kinh Đà La Ni - Tập quyển 3 có chép về 21 loại cúng dường cho Phật trong đó có nói đến hương: “Hương Thuỷ, hương để đốt và các loại hương thơm, dùng những thứ hương đó dâng lên cúng Phật..”. Trong Kinh Tô Tất Địa có chép 5 loại cúng dường: “Bột hương, hương để đốt, hoa, đèn, ẩm thực”. Trong Hành Pháp Can Diệp Sao chép: “Sáu Pháp cúng dường tượng trưng cho sáu Ba La Mật… Hương thuỷ tượng trưng cho Giới Ba La Mật…”. Quán Tâm Luận chép: “Đốt hương, cũng không phải là loại hương có hình tướng ở thế gian, đó chính là hương vô vi Chánh pháp của Phật; khử các mùi hôi, đoạn trừ những vô minh ác nghiệp”. Hương có 5 loại:
- Giới hương: Đoạn trừ các điều ác, tu tập các việc lành
- Định hương: Tin sâu đại thừa, tâm không thoái chuyển
- Huệ hương: Thường quán sát thân tâm trong ngoài
- Giải thoát hương: Đoạn trừ tất cả những tập khí vô minh ràng buộc
- Giải thoát tri kiến hương: Tánh giác sáng ngời, thông đạt vô ngại
Năm loại hương này, là hương quý báu nhất, hương ở thế gian không thể sánh bằng.
Khi Phật còn tại thế, Ngài dạy các đệ tử nên dùng lửa trí tuệ để đốt lên những thứ hương vô giá như thế và đem dâng lên cúng dường mười phương tất cả Phật.
Công đức của việc cúng dường hương thơm
Cúng dường hương thơm lên Tam bảo mang lại cho chúng ta những lợi ích không thể nghĩ bàn:
- Tâm thức thanh tịnh
- Hương thơm đức hạnh thanh tịnh sẽ tỏa khắp mười phương
- Được thụ nhận những phẩm vật mỹ hảo
- Được niềm hỷ lạc tuyệt vời
- Được tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp, cõi trời hoặc cõi người
- Có công đức to lớn, giúp nhanh chóng đạt được giác ngộ
Thắp hương cúng dường Phật làm cho ta khởi tâm cung kính chí thành đối với Tam bảo, thâm tín Tam bảo, là nhân tố khai mở tâm từ bi, trí tuệ theo gương hạnh của Phật và Bồ Tát, lại khiến cho ta luôn phát tâm dũng mãnh tinh tấn trên con đường tu học theo ngôn hạnh của Phật, Bồ Tát. Đốt hương cúng Phật là tu tạo phước nhưng nếu như khi ta niêm hương với tâm chí thành không loạn, “Tâm hương nhất biện” thì tự nhiên sẽ cảm ứng được với Chư Phật, như vậy mới đạt đến cảnh giới của “Giải Thoát Tri Kiến Hương”.
Trong làn hương quyện tỏa thiêng liêng ấy, con người lắng đọng lại, trầm tĩnh, phút chốc quên đi danh lợi, hơn thua, dành trọn những khoảnh khắc lặng yên cao cả nhất, để thật sự quay về ba ngôi cao quý, thành kính thiết tha dâng lên năm nén tâm hương trong sự thư thái an lành.
Tham khảo:
- Ý nghĩa cúng dường trai tăng
- Bài học dạy con từ Đức Phật
- Ý nghĩa mùa an cư kiết hạ 2021
- Lý giải việc thắp hương vào ngày rằm và mùng 1
- Vô thường là gì? Quán chiếu lý Vô thường trong đời sống
TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT
Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam