Giỏ hàng

Hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng qua tiền thân của Ngài

Địa ngục vị không thệ bất thành Phật

Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề

Địa Tạng có nghĩa an nhẫn, bất động như đại địa; tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật. Đức Bồ tát Địa Tạng đã phát đại hạnh nguyện mà ít vị Bồ tát nào sánh bằng, đó là độ tận hết tất cả chúng sanh trong ba cõi, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Khi tất cả chúng sanh thành Phật thì mới thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Hạnh nguyện đó xuất phát từ lòng hiếu thuận với song thân, nên trải qua A tăng tỳ kiếp mà Ngài vẫn là một vị Bồ tát.

Hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng qua tiền thân của Ngài

Trưởng giả tử:

Trong thời Đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, tiền thân của Ngài Đại Tạng là một vị Trưởng giả tử. Khi thấy Đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, Ngài phát nguyện rằng: ““Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng đó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Đạo”

Bởi ở trước đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, Ngài lập nguyện rộng lớn đó, nên đến nay đã trải qua trăm nghìn muôn ức vô số bất khả thuyết kiếp, mà Ngài vẫn còn làm vị Bồ tát. (Theo Kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn nguyện)

Bà La Môn nữ:

Trong quá khứ, bất khả tư nghị vô số kiếp trước tiền thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát là một người nữ thuộc dòng dõi Bà la môn, phước đức sâu dày, chư Thiên thường theo hộ vệ. Bà mẹ của người mê tín tà đạo, không tin vào nhân quả mà gây nên rất nhiều ác nghiệp. Sau khi chết người mẹ bị đọa vào địa ngục Vô Gián. Là một người con hiếu thảo tin nhân quả, cô biết chắc thế mẹ mình cũng sanh vào đường ác nên làm rất nhiều điều lành, bán nhà đất, sắm nhiều hương cúng dường đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương.

Nhờ công đức và lòng hiếu thuận to lớn của cô gái mà đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương cho cô biết mẹ mình đã thoát khỏi cảnh địa ngục và vãnh sang về cõi trời, chẳng phải riêng mẹ của cô thoát khỏi địa ngục, mà những tội nhân Vô Gián cũng đều đặng thác sanh cả.

Thấu rõ mọi việc, cô liền đối trước tháp tượng của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát nguyện rộng lớn rằng: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát”.

Ông Vua nước lân cận:

Thuở khi đức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai chưa thành Phật thì Ngài là Vua của nước nhỏ, Ngài kết bạn cùng với Vua nước lân cận, nhân dân hai nước phần nhiều tạo những việc nên hai Vua đều thực hành những hạnh lành làm lợi nhân dân. Ngài phát nguyện sớm thành Phật để độ dân chúng ấy, còn ông Vua nước lân cận phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Đề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật”.

Ông Vua nước lân cận chính là Ngài Địa Tạng Bồ tát đây vậy.

Thánh nữ Quang Mục:

Thuở thời quá khứ, vô lượng vô số kiếp, vào thời đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, Địa Tạng Vương Bồ Tát là thiếu nữ tên Quang Mục. Là một người có nhiều phước đức, nhưng mẹ của cô lại làm nhiều điều ác, sát hại sanh vật, chẳng kính Tam Bảo nên khi chết đã bị đọa vào địa ngục chịu rất nhiều khổ sở.

Quang Mục đã làm nhiều việc phước thiện để nhờ đó mà cứu vớt cho mẹ mình. Nhờ phước duyên cúng dường cho một vị A La Hán, khuyên cô đem lòng chí thành niệm đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, và vẽ đắp hình tượng của Phật, thời kẻ còn người mất đều được phước lợi. Khi được biết mẹ mình đã thoát khỏi cảnh địa ngục và sinh vào cõi người nhưng mẹ cô vẫn còn chịu quả báo, phải sinh trong nhà nghèo hèn, chết yểu, sau đó sẽ bị đọa vào địa ngục nữa.

Thương mẹ và chúng sanh, Quang Mục đã phát nguyện trước đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ v.v… Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác”.

Nhờ công đức phát nguyện rộng lớn đó, mẹ cô khi bỏ báo thân tái sinh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi. Sau đó vãng sinh về cõi nước Vô Ưu sống lâu không thể tính kể. Và cuối cùng sẽ thành Phật, độ nhiều hạng người, Trời nhiều như số cát sông Hằng. (Theo Kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn nguyện)

Địa Tạng Bồ Tát là biểu tượng của lòng đại từ bi, vì thương chúng sinh như thương chính người thân của mình nên nguyện cùng đồng hành và cứu khổ chúng sinh.

Ý nghĩa hình tượng Bồ Tát Địa Tạng

Hình tượng Bồ tát Địa Tạng có rất nhiều hình dáng khác nhau tượng trưng cho tâm nguyện cứu độ tất cả chúng sinh của ngài. Nhưng tiêu biểu đặc trưng là người xuất gia, đầu tròn, mặc áo ca sa, tay mặt cầm tích trượng có mười hai khoen, tay trái nắm hạt minh châu.

Các vị Bồ-tát khác phần nhiều hiện thân cư sĩ, đặc biệt Bồ-tát Địa Tạng hiện thân vị Tỳ-kheo. Bởi vì bản nguyện của Ngài là cứu thoát chúng sanh ra khỏi địa ngục (cũng có nghĩa ngục tam giới), nên hình ảnh của Ngài là con người giải thoát (xuất gia). Đức Địa Tạng tay mặt cầm tích trượng có mười hai khoen để nói lên ý nghĩa: Ngài luôn luôn dùng pháp thập nhị nhân duyên cảnh tỉnh chúng sanh. Nhờ sự cảnh tỉnh ấy, chúng sanh nhận chân được chân lý, giải thoát vòng sanh tử mê lầm. Tuy nhiên, muốn thấu rõ lý nhân duyên phải nhờ ánh sáng trí tuệ. Chúng sanh trầm luân mãi mãi bởi vô minh che đậy, không trông thấy pháp duyên sanh như huyễn, chấp thật ngã, thật pháp nên cứ lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Muốn phá được vô minh phải phát huy trí tuệ. Trí tuệ tăng trưởng thì vô minh sẽ lùi xa. Biểu thị trí tuệ là viên minh châu trong lòng bàn tay đức Địa Tạng. Viên minh châu ấy soi sáng tất cả chốn u minh làm cho mọi chúng sanh bị giam cầm trong ngục tối trông thấy ánh sáng đều được thoát khỏi ngục hình. Cũng vậy, chúng sanh bị giam cầm trong ngục vô minh, một phen phát sanh ánh sáng trí tuệ, ngục thất vô minh liền tan vỡ, mọi người đều được thong dong tự tại.” – Hòa thượng Thích Thanh Từ

0977023696
article