Hướng dẫn bao sái bàn thờ: Có nên rút tỉa chân hương thường xuyên?
Bàn thờ Phật tại gia là để tu tập, thực hành theo lời Phật dạy giúp con người hướng đến điều ngay lẽ phải. Ban thờ gia tiên là nơi thờ cúng, thắp hương, tưởng nhớ tới những người đã khuất trong nhà như: ông bà, cha mẹ,….
Có nên bao sái bàn thờ và rút tỉa chân hương thường xuyên?
Thông thường, theo tập quán của người Việt cứ đến rằm tháng 7 và cận Tết Nguyên đán mới rút tỉa chân nhang và lau dọn toàn bộ bàn thờ; do xuất phát từ quan niệm kiêng kị không được xê dịch bát nhang vì sợ phạm. Tuy nhiên, theo quan điểm của Phật giáo, ban thờ luôn phải được gìn giữ sạch sẽ, "Bao sái" là cách gọi theo nhà Phật về việc vệ sinh bát hương. Nếu để bụi bặm và tàn nhang vương vãi sẽ khiến ban thờ nhìn thiếu trang nghiêm, thanh tịnh. Để ý nghĩa của sự thờ phụng được trọn vẹn thì con cháu và những người thờ phụng không nên mê tín, đừng chờ đến sau ngày 23 tháng Chạp mới rút tỉa chân hương, bao sái ban thờ, nếu như vậy thì suốt 365 ngày vô tình chúng ta để nơi thờ cúng tôn nghiêm của ông bà tổ tiên bị dơ dáy, mất vệ sinh. Vì thế chúng ta nên thường xuyên lau chùi ban thờ, rút tỉa chân nhang. Đó cũng là biểu hiện cho sự thành tâm, thành kính của gia chủ.
Cách bao sái bát hương và lau ban thờ
Trầm Tuệ xin được hướng dẫn các bước cần thiết để bao sái bát hương, lau dọn ban thờ để đón năng lượng mới.
Vật dụng cần chuẩn bị:
- Nên có một chiếc khăn sạch riêng để lau dọn ban thờ và các đồ thờ như chân đèn, chân nến… Nếu có thờ tượng Phật, Bồ Tát thì dùng thêm một chiếc khăn sạch khác để lau tượng.
- 1 chiếc muỗng mới sạch để xúc bớt tro trong bát hương
- Chuẩn bị đồ lễ: hương trầm, hoa tươi, trái cây… không nhất thiết phải nhiều đồ lễ mà quan trọng nhất là thanh sạch. Nếu không có điều kiện chuẩn bị đầy đủ thì chỉ cần hương nhang sạch, nước tinh khiết, hoa tươi
- Một chậu nước gừng. Nên có một chiếc chậu riêng, chuyên dùng cho việc lau dọn ban thờ. Nếu không có nước gừng có thể dùng nước sạch.
Trước khi thực hiện nên giữ thân thể sạch sẽ, rửa tay sạch và mặc quần áo nghiêm chỉnh, tránh mặc đồ ngủ hay đồ mỏng, không kín đáo.
Các bước thực hiện cơ bản như sau:
- Thắp hương khấn xin phép được bao sái bát hương và bao sái bàn thờ.
- Đợi hương tàn thì hạ tất cả các đồ trên ban thờ xuống một chiếc bàn cao và bắt đầu lau dọn
- Bao sái bàn thờ Phật, Bồ Tát trước rồi mới lau dọn ban thờ gia tiên. Tuyệt đối không lau dọn, bao sái bàn thờ gia tiên trước bàn thờ Phật vì điều này là bất kính
- Lau tượng: Dùng khăn ẩm lau tượng theo thứ tự: trước tiên là lau mặt tượng, lau đầu, cổ rồi lau dần xuống dưới chân
- Dùng 2 tay rút tỉa từng chân hương một cho tới khi bát hương còn lại 3 chân hương. Lấy thìa xúc bớt phần tro nếu bát hương quá đầy, vun lại phần tro cát trong bát hương cho gọn gàng
- Dùng nước gừng lần lượt lau sạch từng đồ thờ sau đó lau lại bằng khăn khô
- Dùng khăn lau sạch tàn hương trên miệng bát hương, rồi lau sạch quanh bát hương
- Lau sạch toàn bộ bàn thờ
- Xếp đặt lại tất cả đồ thờ cúng nguyên vị như ban đầu, thắp hương khấn thỉnh báo cáo đã xong việc. Nếu có thể thì tụng 1 thời kinh Bát Nhã thì rất tốt
- Đem tất cả chân hương đã rút tỉa hóa hết (đốt sạch)
Sau khi bao sái bát bàn thờ nên quét dọn sạch sẽ không gian phòng thờ, nhà ở, đốt trầm nụ hay bột trầm xông để tẩy uế trong vài tiếng. Làm như vậy giúp trừ sạch các năng lượng xấu, thanh lọc không khí và tiếp nhận luồng năng lượng tốt lành mới.
Nếu các gia đình, các Phật tử có thói quen thắp hương hàng ngày thì có thể rút tỉa chân hương thường xuyên hơn, hàng ngày hoặc hàng tuần. Cách này chỉ đơn giản là rút bớt chân hương và dùng khăn lau ban thờ một lượt cho sạch sẽ. Việc bao sái toàn bộ ban thờ như ở trên chúng tôi hướng dẫn có thể tiến hành một vài tháng một lần.
Việc lau dọn bàn thờ rất quan trọng nên không thể vội vàng, làm qua loa cho xong chuyện. Bao sái bàn thờ không đơn thuần là việc lau dọn bụi bẩn mà còn có ý nghĩ tâm linh quan trọng. Bàn thờ trong quan niệm của người Việt là nơi linh thiêng, tôn kính nhất của mỗi gia đình. Vì thế việc dọn dẹp bàn thờ sao cho đúng cách cũng là cách để mọi người thể hiện sự tôn kính với chư Phật, bày tỏ sự biết ơn, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên.
Tham khảo:
- Bài văn cúng gia tiên tại gia
- Ý nghĩa cúng dường trai tăng
- Công đức cúng dường hương thơm
- Bài học dạy con từ Đức Phật
- Lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn
TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT