Lý giải việc thắp hương vào ngày rằm và mùng 1
Thắp hương vào ngày rằm và mùng 1 là phong tục của người Việt từ xưa tới nay, nhưng có khi nào bạn thắc mắc nguồn gốc của phong tục này từ đâu mà có.
Tập quán thắp hương ngày rằm theo quan niệm dân gian
Tương truyền vào ngày mùng 1 (ngày Sóc) và rằm (ngày Vọng), mặt trăng và mặt trời cùng nằm trên một đường thẳng. Chúng sẽ tạo ra một năng lượng đặc biệt gây tác động vào con người (gây nên bệnh tật, thiên tai,…). Vì chưa hiểu rõ về tự nhiên nên người xưa rất sợ hãi, nhắc nhau thắp hương lễ bái cầu tai qua nạn khỏi. Ngày nay, nhờ những nghiên cứu về vật lý thiên văn và sự phát triển của xã hội giúp chúng ta hiểu rằng đó là những lực tương tác của các hành tinh lên cơ thể con người nơi có cấu trúc tế bào chiếm 70 - 80% là nước. Giống như thủy triều ở Trái đất sinh ra là do sức hút của mặt trăng, thì câu trả lời lại rất đơn giản. Vào hai ngày ấy, chúng ta nên thận trọng hơn trong công việc cũng như trong sinh hoạt.
Song cũng có quan niệm dân gian khác cho rằng ngày Sóc, Vọng là ngày “thiên - địa - nhân” hòa hợp, nhân duyên hội đủ nên con cháu sẽ dâng hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên hay ước cầu thần linh phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình được bình an, khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn, thành đạt.
Tập quán thắp hương ngày rằm theo quan điểm Nho giáo, Phật giáo
Theo truyền thống của Nho giáo, ngày mùng 1 và ngày rằm là thời điểm “Thiên địa mở thông”. Nghĩa là ngày con người và trời đất như hòa thành một thể thống nhất, người trần gian sẽ cảm ứng, kết nối với các đấng thần linh và vong hồn. Thắp hương vào hai ngày này thì gia tiên tiền tổ sẽ cảm nhận được tấm lòng của con cháu, các vị thần linh thổ địa sẽ lắng nghe rõ nguyện vọng của người trần gian.
Còn theo quan điểm Phật giáo, ngày Sóc, Vọng là ngày cát tường, nên thắp hương, tụng kinh, làm các việc thiện lành như ăn chay, phóng sinh, bố thí... Trong ngày này, các Phật tử sẽ tụng kinh để cầu an (mong gia đình bình an, khỏe mạnh, may mắn), cầu siêu (mong các vong linh siêu thoát, không vướng bận trần thế) hay cầu sám hối (tự sám hối về những lỗi lầm đã gây tạo).
Hiểu và thực hành thế nào cho đúng về việc thắp hương ngày rằm, mùng 1
Việc thờ cúng tổ tiên, thần Phật vào ngày rằm, mùng 1 là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, thể hiện lòng biết ơn ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân và ước nguyện những điều tốt lành cho mình, cho người thân và rộng hơn là cho tất cả mọi người. Thông thường, các gia đình giữ nếp thắp hương vào mùng 1 và ngày rằm không phải sợ phạm điều cấm kỵ trong yếu tố tâm linh mà đơn giản là theo thói quen nhiều đời truyền lại.
Mặt khác, tục lệ thắp hương trong ngày Sóc, Vọng cũng là cách mọi người tìm kiếm chỗ dựa tinh thần khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Niềm tin tâm linh là nơi nương tựa tinh thần cho mọi người và cũng là để nhắc nhở mỗi người nhớ tới cội nguồn ông bà tổ tiên, noi gương hạnh Chư Phật để rèn dũa tâm mình. Cho nên nếu vì quá bận rộn mà quên dâng hương vào mùng 1 hay ngày rằm thì cũng không nên quá lo lắng rằng có một đấng tối cao nào trừng phạt. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thực hiện thì nên làm việc này một cách thường xuyên để giúp tăng trưởng phước lành.
Tương tự như thế, ngày giỗ chạp, lễ Tết là một dịp quan trọng để chúng ta nhớ về nguồn cội, dòng họ, là dịp để những người thân trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, nhìn lại thành quả và kinh nghiệm của một năm phấn đấu học tập, lao động. Có lẽ điều mà ông bà tổ tiên mong muốn nhất là con cháu thuận hoà, hạnh phúc, thành đạt chứ không phải vội vàng, tất bật chuẩn bị để dâng lên những mâm cỗ được bày biện cầu kì, tốn kém.
Do đó, bạn chỉ cần một bình hoa đẹp, một đĩa trái cây, hương nhang thơm sạch dâng lên nguyện cầu ông bà tổ tiên siêu thoát cũng như noi gương gia tiên tiền tổ để phấn đấu trở thành những người con hiền cháu thảo, làm việc có ích cho gia đình và xã hội là đủ. Cỗ bàn dành cho người sống sum họp và chúc phúc cho nhau, qua đó gắn kết thêm yêu thương; chứ không phải dính mắc vào rồi bận bịu hay chè chén say sưa làm mất đi hòa khí gia đình. Nhiều khi vì vô minh còn tạo thêm nghiệp.
Thay vì tốn thời gian, công sức, tiền bạc dành cho lễ bái và đốt vàng mã lãng phí, những ngày rằm, mùng 1, ngày lễ Tết, giỗ chạp, chúng ta chỉ cần làm đơn giản, trang nghiêm và thành tâm. Thời gian còn lại nên nghỉ ngơi, quan tâm đến những người thân yêu, hay thư giãn để tái tạo và nuôi dưỡng năng lượng tích cực.
Thờ cúng đúng Chánh pháp là phải hiểu rõ nguồn gốc bệnh tật, tai họa là do xuất phát từ nhân quả, do những hành động sai trái, làm khổ mình, khổ người mà chính chúng ta gây tạo. Nếu mong muốn những điều xui rủi không xảy ra thì luôn phải sống đúng đạo đức làm người, chứ không phải nhờ thờ cúng, cầu khấn van xin với thần, Phật, Bồ Tát mà tai qua nạn khỏi.
“Thấy rõ lý nhân quả, chúng ta khéo uyển chuyển cái xấu trở thành tốt, cái dở trở thành hay. Thấy rõ lý nhân quả, chúng ta nắm chắc quyền tự chủ, tạo dựng tương lai tươi đẹp cho chính mình” - Hòa thượng Thích Thanh Từ
Tham khảo:
- Ý nghĩa cúng dường trai tăng
- Bài học dạy con từ Đức Phật
- Ý nghĩa mùa an cư kiết hạ 2021
- Công đức cúng dường hương thơm
TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT