Tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhỏ trước nguy cơ lây nhiễm virus Covid-19
Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa có hồi kết khi đại dịch tiếp tục lây lan nhanh chưa từng có, diễn biến rất phức tạp. Trong cuộc chiến này, trẻ em cũng là đối tượng cần được bảo vệ và luôn được quan tâm. Vấn đề nâng cao sức đề kháng thông qua việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao hệ miễn dịch, phòng chống dịch bệnh cho trẻ em.
Sức đề kháng là gì?
Sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, là “hàng rào chắn” chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng... Nó được ví như “Bộ công an” và “Bộ quốc phòng” của một quốc gia chống “thù trong, giặc ngoài” để bảo vệ cơ thể.
Sức đề kháng trong cơ thể được tạo ra từ hệ thống miễn dịch. Nếu có một sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ ngăn chặn được những tác nhân gây hại từ môi trường xung quanh hoặc tìm cách loại bỏ, tiêu diệt nếu chúng đã xâm nhập vào bên trong.
Sức đề kháng vô cùng quan trọng với sức khỏe của trẻ nhỏ
Tầm quan trọng của việc tăng cường sức đề kháng
Trẻ khi còn ở trong bụng mẹ đã có một sức đề kháng nhất định giúp chống lại các tác nhân bất lợi. Tuy nhiên, sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện nên khi trẻ mới sinh, phải tiếp xúc với một môi trường sống mới rất dễ bị bệnh, nhất là các bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Điều này sẽ gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì vậy, việc tăng sức đề kháng cho trẻ là một việc làm thiết yếu để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển một cách tốt nhất, hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh.
Tăng cường sức đề kháng phòng, chống Covid-19 cho trẻ bằng các giải pháp dinh dưỡng
Đối với bé sơ sinh
Cho bé bú thật nhiều sữa mẹ vì trong sữa mẹ cũng chứa một nguồn kháng thể dồi dào giúp bé tránh được nhiều loại bệnh.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sữa mẹ có thể ngăn ngừa dị ứng và bệnh tật, bảo vệ bé khỏi vi khuẩn, virus gây hại, hỗ trợ hệ thống miễn dịch chưa phát triển của trẻ sơ sinh… Những dưỡng chất trong sữa mẹ có thể bảo vệ chống lại sự nhiễm trùng và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ hiệu quả.
Đối với trẻ lớn hơn
Cho trẻ uống đủ nước
Nước có tác dụng vận chuyển bạch cầu đi khắp cơ thể. Ngoài ra uống nhiều nước còn có tác dụng đào thải những chất độc hại ra khỏi cơ thể thông qua việc tiết mồ hôi. Khi bé uống một lượng nước vừa đủ sẽ tăng cường trao đổi chất, giúp tim bơm máu hiệu quả hơn và vận chuyển oxy trong máu, chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho các tế bào.
Cho trẻ ăn nhiều rau củ trái cây để bổ sung nhiều vitamin cũng là cách tăng cường sức đề kháng
Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm: nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng. Lựa chọn thực phẩm tươi ngon, ăn chín, uống sôi, quá trình chế biến không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như các loại ngũ cốc, trứng, phô mai, sô cô la đen, rau lá xanh (bông cải xanh, rau chân vịt, đậu hà lan,…). Không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại những virus gây bệnh.
Tăng cường ăn thực phẩm có chứa nhiều lợi khuẩn: sữa chua, men vi sinh,… thành phần acid lactic có trong sữa chua có tác dụng gia tăng lợi khuẩn và ức chế các vi khuẩn gây hại cho đường ruột giúp quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng trở nên thuận lợi hơn và giúp cơ thể trẻ chống lại bệnh tật hiệu quả, đặc biệt là những bệnh phổ biến như bệnh cảm lạnh, nhiễm trùng tai và viêm họng.
Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E như: như cam, quýt, bưởi, chanh, đu đủ, ổi, kiwi... là những nguồn rất giàu vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ sinh hoạt lành mạnh
Giữ môi trường sạch sẽ
Tăng cường lưu thông không khí trong nhà bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các dung dịch khử khuẩn thông thường như nước lau nhà, cồn...
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để luôn được thoáng khí và sạch sẽ. Có thể sử dụng các phương pháp xông nhà như: đun lá nước sả gừng hoặc đốt Trầm hương để thanh lọc không khí.
Hướng dẫn bé rửa tay bằng xà phòng thường xuyên
Hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân
- Dạy trẻ tập thói quen vệ sinh thân thể, tắm gội thường xuyên, đánh răng sạch sẽ để phòng chống các vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến trẻ dễ bị mắc bệnh
- Đeo khẩu trang: Cha mẹ cần tuân thủ và hướng dẫn trẻ tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng quy định. Đối với những trường hợp trẻ nhỏ hoặc trẻ gặp các vấn đề về hô hấp, bệnh lý dẫn đến việc không thể đeo khẩu trang, người thân xung quanh cần tuân thủ việc đeo khẩu trang
- Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước súc miệng hoặc nước muối pha loãng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh
- Hạn chế tiếp xúc đông người: Cha mẹ và gia đình không nên để trẻ tiếp xúc nơi đông người, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp (sốt, ho, khó thở). Trong trường hợp phải đi đến các nơi tập trung đông người, cần chú ý các quy định về phòng, chống dịch Covid -19
- Cha mẹ và gia đình cần hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng
Khuyến khích trẻ vận động cơ thể
Ba mẹ cần khuyến khích và cùng tham gia các hoạt động vận động, tập luyện thể thao để hình thành thói quen rèn luyện sức khỏe cho trẻ. Thường xuyên cho trẻ tăng cường các hoạt động như đạp xe, chạy bộ thi với trẻ, cho trẻ nhảy cao, nhảy lò cò, giữ thăng bằng 1 chân tùy theo khả năng của trẻ.
Trong thời gian giãn cách xã hội, mọi gia đình phải ở trong nhà không được ra ngoài, bố mẹ có thể lên lịch biểu các hoạt động trong nhà cùng với trẻ như lau dọn nhà, tập thể dục tại chỗ,…
Đặc biệt, hạn chế cho trẻ xem ti vi, điện thoại, không ngồi một chỗ nhiều.
Tập luyện thể thao - Nâng cao sức khỏe
Tập cho trẻ đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc
Vì giấc ngủ có tầm quan trọng rất lớn trong việc củng cố, cải thiện sức đề kháng của trẻ. Việc thiếu ngủ khiến em bé dễ mắc bệnh hơn do giảm các tế bào miễn dịch tự nhiên; đôi khi còn khiến cho trẻ khó chịu, tinh thần không tỉnh táo. Hãy tập cho trẻ lên giường ngủ trước 22h, cha mẹ có thể cho bé lên giường sớm hơn một chút, kể vài câu chuyện nhỏ hoặc nghe nhạc êm dịu trước khi ngủ sẽ khiến trẻ ngủ ngon giấc hơn.
Trong tình hình dịch viêm đường hô hấp do virus Corona chủng mới đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc bảo vệ trẻ từ bên ngoài như đeo khẩu trang, hạn chế đưa trẻ đến những nơi tập trung đông người, rửa tay thường xuyên,... ba mẹ cũng cần lưu ý tăng sức đề kháng cho trẻ từ bên trong qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày hợp lý và lối sống lành mạnh. Đây là yếu tố giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để giảm đi nguy cơ lây nhiễm.
Tham khảo:
- Vòng Bảo Nhi - vòng đeo tay trầm hương bảo vệ bé yêu
- 5 lưu ý về cách sử dụng điều hòa trong mùa dịch COVID-19
- Giải pháp cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ trong đại dịch COVID-19
TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT