Độc đáo nghề xoi xỉa trầm - Nghề đi đến tận cùng của sự tỉ mẩn
Có chứng kiến người thợ dùng những cái dủm (đục) đủ kích cỡ rồi trải qua các công đoạn: Đẽo, phá, gạn, xỉa khúc dó bầu để tách ra miếng trầm mới thấy hết sự tinh tế của nghề…
Ngồi bệt dưới nền nhà, đầu cúi xuống, mắt đăm đăm nhìn vào miếng cây dó bầu cầm trên tay trái, tay phải cầm chiếc dủm nhỏ thận trọng từng nhát xỉa vào miếng cây dó, bóc tách dần dần những phần gỗ màu trắng để chỉ còn lại phần dầu màu đen được gọi là trầm. Đây là công việc của những người thợ hay còn là nghệ nhân xỉa trầm. Một nghề cần nhất sự tỉ mẩn khi phải ngồi hàng giờ, lặp đi lặp lại, ngày qua ngày.
Xỉa trầm thoạt nhìn mọi người sẽ nghĩ đây là nghề đơn giản, không nặng nhọc, nhưng không phải ai làm cũng được. Bởi nghề này đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, để nhận biết mạch trầm chạy trong thân gỗ.
Công đoạn đầu tiên của việc xỉa trầm là dùng dao vạt phần gỗ bên ngoài khúc dó bầu không có trầm, sau đó sử dụng chiếc dủm có kích cỡ to nhất thực hiện công đoạn “phá”. “Phá” là phần việc người thợ bắt đầu bóc tách phần thịt cây dó bầu bên ngoài để lộ dần ra những mạch trầm màu đen bên trong.
Xong công đoạn “phá”, người thợ sử dụng chiếc dủm có kích cỡ nhỏ hơn để thực hiện phần việc tiếp theo là “gạn”. Càng về sau, sự tỉ mỉ của người thợ càng tăng dần. Trong công đoạn “gạn”, chiếc dủm của người thợ có trách nhiệm bỏ đi những phần thân cây màu trắng nằm gần sát với mạch trầm.
Hoàn thành công đoạn “gạn”, sự tỉ mỉ của người thợ bắt đầu đạt đỉnh khi bước vào công đoạn “tỉa” hay “xỉa” bằng chiếc dủm có kích cỡ nhỏ nhất để có thể len lỏi vào từng thớ trầm. “Tỉa” là người thợ dùng chiếc dủm xỉa những phần thịt màu trắng nằm dính sát vào mạch trầm để miếng trầm chỉ còn tinh màu đen, Nếu miếng trầm dầu nhiều sẽ bóng loáng trông rất bắt mắt.
💌 Nếu muốn tận mắt nhìn thấy người thợ xỉa trầm hay tò mò muốn tự tay trải nghiệm công việc này, thân mời bạn ghé thăm Trầm Tuệ: https://tramtue.vn/blogs/news/thu-ngo-moi-tham-quan-trai-nghiem