Giỏ hàng

Cách dùng trầm của người xưa

Từ xưa đến nay, qua các thời đại, ở nhiều nước trong đó có Việt Nam, Trầm hương luôn luôn giữ nguyên giá trị và mãi mãi được coi là món hàng đặc biệt quý hiếm với giá cả đắt đỏ. Trầm hương Việt Nam đã được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới.

Trầm hương trong đời sống người xưa 

Gỗ Trầm hương khi đốt có một làn khói nhỏ tỏa mùi thơm đặc biệt vừa thanh nhã, dịu dàng, lại vừa hấp dẫn thích hợp với nhiều người. Khói hương trầm đượm, tính cách linh thiêng, trân trọng thành kính. Vì thế Trầm hương đã được sử dụng trong những phong tục tế lễ, thờ cùng, các hội thề và trong các buổi thề nguyền gắn bó lứa đôi.

Ở Việt Nam chúng ta, Trầm hương loại tốt được dùng đốt nguyên miếng tạo mùi thơm trong các đền thờ, hoặc tán nhỏ thêm một phần phụ gia tạo thành những miếng nhang trầm hình khối chữ nhật dùng cho lễ nghi tôn giáo. Người ta sử dụng các mảnh trầm vụn hay nhang dài được làm từ những phần gỗ có nhựa trầm ngưng đọng, dùng làm chất tạo hương chính cho nhang cao cấp. Trong phong tục nước ta, đốt hương nghĩa là cầu cho thần linh giáng cách. Trong việc tế tự, ví dụ như lễ tế kỳ phúc, người ta đều dùng Trầm hương. Phan Kế Bính viết: "Mỗi năm trong tứ thời hoặc hai kỳ xuân thu, có tuần đại tế gọi là tế kỳ phúc, nghĩa là cầu cho dân được bình an". Khi Tế chủ xướng Thượng hương thì hai người chấp sự 1 người phủng 1 cái lư hương người phủng hộp trầm đem đến trước mặt tế chủ, tế chủ lấy gói trầm bỏ vào cái lư, rồi cầm lấy cái lư vái một vái...

 

 

Từ đầu Công nguyên, người Việt chúng ta đã biết dùng Trầm hương làm hương liệu. Có thể nói từ người bình dân cho đến các bậc đế vương, ai cũng biết giá trị của Trầm hương. Người xưa thường cất giữ Trầm hương như một báu vật dùng để giữ gìn, bảo vệ lụa là, gấm vóc, đề phòng gián, nhậy cắn hại.

Trầm hương trong văn học 

Người xưa cũng thường đốt Trầm hương để xông những bộ lễ phục, xiêm y, cẩm bào, những trang phục đắt tiền của vua chúa, công hầu, khanh tướng, của các vương tôn công tử và tao nhân mặc khách trong những dịp lễ hội long trọng. Người ta cho rằng quần áo xông trầm sẽ tránh được phong sương, lại làm tăng phần cao sang đài các nhờ có mùi trầm quý giá. Chính vì vậy, Trầm hương đã được đi vào thơ ca, văn học lưu truyền từ trước đến nay qua nhiều tác phẩm lớn. Để nêu giá trị của Trầm hương và chống thói quen lừa dối gian ngoan, trong ca dao có những câu như: 

Gỗ mục bà để trong rương
Ai mà hỏi đến Trầm hương của bà.

Hoặc dù ở vị trí thấp kém trong xã hội, người vợ thủy chung vẫn nhất mực:

Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người 

Khói hương trầm luôn luôn được mọi người trân trọng vì vẻ thành kính, thanh cao. Việc đốt hương trầm làm tăng sự trân trọng biểu thị lòng chân thành, niềm tin tưởng. Nhà thơ Nguyễn Dữ (tác giả truyền Truyền Kỳ mạn lục) viết trong bài thơ "Bắt chước Từ Thức"

Đốt lại lò trầm, nhóm lại hương
Đắn đo đổi mới khúc nghê thường

Nhà thơ Nguyễn Du đã nói nhiều đến Trầm hương trong Truyện Kiều. Từ lúc bướm đi tìm hoa, chưa một lời trao đổi tâm tình của đôi trai tài gái sắc:

Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai

Đến khi gặp gỡ để trao lời hẹn ước cũng có hương trầm:

Vội vàng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, song đào thêm hương(1)

Cho tới lúc biệt ly, vắng bóng hồng nhan, Kim Trọng vẫn không quên được người xưa trong áng hương trầm:

Có khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt lò hương, giở phím đàn ngày xưa,
Bể bai rủ rỉ tiếng tơ,
Trầm bay lạt khói gió đưa lay rèm.

Cho đến ngày tái hợp:

Phím đàn dìu dắt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.

Nguyễn Gia Thiều, trong "Cung oán ngâm khúc" cũng có những câu thơ nhắc đến Trầm hương:

Mây mưa mấy giọt chung tình,
Đỉnh trầm hương khóa một cành mẫu đơn.

Có thể thấy, trong văn học  phương Đông, Trầm hương luôn được đề cao đặc biệt, kể cả trong văn xuôi lẫn văn vần, trong văn học dân gian cũng như trong văn học chính thống. Thế mới biết, Trầm hương từ ngàn đời xưa đã được trân quý và ứng dụng rất nhiều trong đời sống. Bởi vậy, chúng ta cần hiểu rõ để gìn giữ, bảo tồn và phát triển ngành Trầm hương Việt Nam như bảo tồn một nét đẹp văn hóa dân tộc. 

Chú thích: (1) Bỏ thêm trầm vào cái lư hương hình hai quả đào

 Trầm Tuệ ghi lại từ tư liệu cổ về Trầm hương

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT
0977023696
article