Giỏ hàng

Đáp án minigame "Trở về bản tâm"

Sở dĩ Trầm Tuệ tổ chức mini game với nội dung các câu hỏi xoay quanh cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông bởi lý do ngày truyền thống của Trầm Tuệ chính là ngày giỗ Phật hoàng (1/11 âm lịch). Lý do thứ hai, mini game này cũng nhằm mục đích để các bạn tham gia hoặc những khách hàng, bạn hữu quan tâm đến Trầm Tuệ có cơ hội tìm hiểu, đọc để hiểu thêm về cuộc đời một vị vua đáng tự hào của dân tộc. 

Sau đây là 3 câu hỏi và đáp án: 

1. Vua Trần Nhân Tông xuất gia ở đâu? 

Vua Trần Nhân Tông xuất gia ở hành cung Vũ Lâm năm 1294. 

Sau chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ 3 (1288), nước Đại Việt thời gian này là hòa bình, yên ổn, sạch bóng quân thù. Hành cung Vũ Lâm vẫn tồn tại. Vua Trần Thái Tông mất từ năm 1277, vua Trần Thánh Tông cũng đã mất năm 1290. Năm 1293 vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trưởng là Thái Tử Thuyên lên làm Thái Thượng hoàng.

Năm 1294 vua Trần Nhân Tông đã đến hành cung Vũ Lâm. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" - Tập II - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - Hà Nội - 1998 - Trang 71 và trang 72 có ghi: "Giáp Ngọ, Hưng Long năm thứ hai (1294)… Mùa thu, tháng 7… Bấy giờ, Thượng hoàng (Trần Nhân Tông) đến Vũ Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay) vào chơi hang đá (Tam Cốc), cửa núi đá hẹp, Thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ Thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương (tên là Đạo Tái là con của Trần Quang Khải - Trần Quang Khải là con thứ của vua Trần Thái Tông) lên mũi thuyền, chỉ để một người chèo thuyền thôi. Đến khi Thượng hoàng xuất gia, sắp ra đi, mời Đạo Tái vào điện Dưỡng Đức cung Thánh Từ cho ngồi ăn các món hải vị...

Tháng 8, Thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết". Điều đó khẳng định Thượng hoàng Trần Nhân Tông trở về hành cung Vũ Lâm và xuất gia năm 1294.
Đến năm "Ất Mùi, (Hưng Long) năm thứ ba (1295), mùa hạ, tháng 6, Thượng hoàng trở về kinh sư. Vì [trước] đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm rồi lại trở về...

Kỷ Hợi, (Hưng Long) năm thứ 7 (1299)... Mùa thu, tháng 7, xây am Ngự Dược trên núi Yên Tử.

Tháng 8, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh".

Đáp án minigame

Thông tin về thời gian Ngài xuất gia được in trên bia đá của Huệ Quang Kim Tháp

Sau khi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, Ngài lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa. Năm 1304, Ngài chống gậy trúc dạo đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan v.v… Năm 1307, Ngài truyền Y Bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm và Pháp Loa là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Nguồn: http://www.thuongchieu.net/index.php/tintucsukien/4671-giosototruclam2018

http://bachkim.vn/resource/daiviet.pdf

2. Vua Trần Nhân Tông từng hỏi Tuệ Trung Thượng sĩ về Bổn phận và Yếu chỉ Thiền tông. Tuệ Trung Thượng sĩ trả lời như thế nào? Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là gì?

Vua Trần Nhân Tông đã hỏi Tuệ Trung Thượng sĩ: “Yếu chỉ Thiền tông là thế nào?”. Tuệ Trung Thượng sĩ trả lời nguyên văn chữ Hán là: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc". Nghĩa là: “Nhìn trở lại mình là phận sự gốc, không từ ngoài mà được”.

Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”.

Nguồn: http://www.thuongchieu.net/index.php/phapthoai/thaytruclam/843-vua-trn-nhan-tong-vi-thin-phai-truc-lam-yen-t-v15-843

3. Tại sao Vua Trần Nhân Tông lấy đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà? Viết lại Bài kệ tóm lược ý chánh của toàn bài phú Cư Trần Lạc Đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Giải nghĩa.

Về Yên Tử, Ngài quyết tâm sống đời xuất gia giải thoát, từ bỏ những hưởng thụ của thế gian, thực hành 12 hạnh đầu đà.

“Đầu đà” là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “dhūta”, có nghĩa là trừ bỏ phiền não trần cấu. Đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh, chuyên tâm cần mẫn công phu tu tập dốc chí tu hành, ăn mặc đơn sơ, giản dị, sống đạm bạc, ẩn dật mình nơi hoang dã. Cho nên cũng được gọi là “hạnh đầu đà”, cốt để tôi luyện thân tâm, bằng cách diệt trừ lòng tham trước, tính chấp ngã đối với ba vấn đề thiết yếu của đời sống hằng ngày là cơm nước, áo quần và chỗ ở.

- Trúc Lâm là tên tinh xá của đức Phật Thích Ca tại Ấn Độ, được xem là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo. Nơi đây khi Đức Phật còn sống đã ở lại tịnh xá nhiều tháng trời và cũng là nơi Ngài Huyền Trang ghé dừng chân trong hành trình lên Tây Thiên để thỉnh Chân Kinh quý báu.

- Trúc Lâm cũng là tên hiệu của Quốc sư Trúc Lâm - Đạo Viên (hoặc Viên Chứng), một bậc Thiền Tổ của Yên Tử đã khai thị cho vua Trần Thái Tông.

- Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, thành lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “cư trần lạc đạo”, “hòa quang đồng trần”. Đây là dòng thiền mang bản sắc riêng của Việt Nam.

Như vậy, Ngài lựa trọn đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà với 3 ý nghĩa:

  • Tên của phương pháp tu hành khổ hạnh
  • Lòng biết ơn tới Đức Phật Thích Ca và Chư Tổ của Thiền phái Yên Tử
  • Tên Thiền phái sau khi đã thống nhất: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Cư Trần Lạc Đạo Phú:

“Kệ rằng:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền".

Dịch thơ:

"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên.
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”.
Bài kệ này rất là thiết yếu, tóm được ý chánh của toàn bài phú.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cư trần lạc đạo là ở trong vòng bụi bặm mà vui với đạo. Tuy ở thế gian sống trong cảnh trần tục mà vẫn vui với đạo là điều rất đặc biệt. Muốn được vui với đạo thì hãy tùy duyên. Thế nào gọi là tùy duyên?

Cơ tắc san hề, khốn tắc miên. “Cơ tắc san hề”, tức đói thì ăn, “khốn tắc miên” là nhọc thì ngủ. Tùy duyên như vậy thì tu thật dễ, phải không? Thật ra nói dễ nhưng không phải dễ. Tại sao? Vì người đời đói không chịu ăn, mệt không chịu ngủ. 

Như chúng ta ở đây hiện nay khi đói có chịu ăn không? Giả sử đến bữa trưa là bữa ăn chánh, trị nhật nấu cơm sống dọn lên, tuy đói bụng mà chúng ta có chịu ăn không? Nếu có ăn cũng chỉ ăn gượng mà không vui. Hoặc gặp khi cơm nguội canh lạnh chúng ta ngồi buồn một lúc rồi mới chịu ăn. Tuy bụng đói mà chúng ta đâu có ăn ngay. Còn mệt thì ngủ, nhưng nhiều khi chúng ta mệt mà có chịu ngủ đâu! Như hôm nào có việc gì quan trọng, tuy mệt nằm xuống nghỉ mà cứ nhớ đến chuyện đó mãi, không sao ngủ được.

Như vậy tùy duyên nghĩa là đói ăn mệt ngủ. Còn đói không chịu ăn, mệt không chịu ngủ là chưa tùy duyên. Chưa tùy duyên thì làm sao vui với đạo? Cho nên muốn ở cõi trần vui với đạo là phải biết tùy duyên, đói ăn mệt ngủ đừng đòi hỏi thêm điều gì khác.

Tôi nhắc thêm điều này cho Tăng Ni nhớ, hai chữ “tùy duyên” rất linh động. Ai biết tùy duyên thì người đó dễ sống, ai không biết tùy duyên người đó khó sống. Nhưng tùy duyên có hai: tùy duyên hợp đạo lý và tùy duyên phi đạo lý. Tùy duyên hợp đạo lý như trên đã nói. Còn tùy duyên phi đạo lý là sao? Ví dụ quí Sư mình lâu lâu về thành phố, gặp vài huynh đệ họ rủ: Hôm nay ra quán với tôi một bữa. Nghe vậy mình liền tùy duyên. Như thế gọi là tùy duyên phi đạo lý, không nên làm. Phải tùy duyên hợp đạo lý mới được, không phải ai bảo sao làm vậy, chẳng phân biệt đúng sai gì hết, rồi đổ thừa thầy tôi dạy tùy duyên. Đó là một sai lầm lớn.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích. Trong nhà có sẵn hòn ngọc quí, đừng đi tìm kiếm ở đâu xa. Nơi mỗi người chúng ta đều có tâm sáng suốt, đó là Tánh giác. Tánh giác có sẵn nơi mọi người, giống như hòn ngọc minh châu có sẵn ở trong nhà mình, chúng ta phải tự nhận ra đừng chạy tìm kiếm ở đâu. Câu này dạy chúng ta phải quay lại mình, đừng tìm bên ngoài, vì Phật ở ngay trong nhà.

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Đối với ngoại cảnh, dù đẹp xấu, thuận nghịch v.v… tâm mình đều không dấy động. Đuợc như vậy thì đừng hỏi thiền chi nữa. Chúng ta thấy Ngài định nghĩa thiền hết sức là giản đơn. Thiền là gì? Thiền là sáu căn đối với sáu trần mà tâm không dấy động, chớ đừng kiếm thiền ở đâu nữa. Bài kệ kết thúc rất là hay, đủ cho chúng ta biết đường lối để tu.

Vậy nếu có ai hỏi “thế nào là thiền”, chúng ta phải trả lời làm sao? Chỉ đáp “căn trần không dính nhau, đó là thiền”. Nếu hỏi thêm “thưa Thầy, Thầy là Thiền sinh chưa”, đáp “tôi là Thiền sinh”. Lại hỏi: “Là Thiền sinh thì căn trần của Thầy có dính nhau không?” Phải đáp thế nào?

Câu hỏi này rất khó trả lời. Nếu còn dính thì chưa phải thiền, tại sao xác nhận mình là Thiền sinh? Thế nên chúng ta tu là phải đi đến chỗ cứu kính, không thể tu cho có chừng. Tu thiền là phải tu đến chỗ căn trần không còn dính nhau, nếu còn dính mắc thì chưa phải là Thiền sư thật. Vì thế chúng ta phải thật tình nghiệm lại mình, những gì còn dính mắc phải ráng gỡ đến bao giờ căn trần không còn dính nhau nữa. Khi ấy có ai hỏi: Thầy có phải là Thiền sinh không, chúng ta gật đầu đáp: Phải. Lại hỏi: Đối với Thầy căn trần có dính nhau không? Đáp: Không dính. Giả sử ngay đó họ liền chửi mắng vài ba câu, chúng ta vẫn thản nhiên, đó là thứ thật. Còn nói không dính mà khi bị mắng, mặt mày đỏ lên thì chưa phải thứ thật rồi.

Như vậy chúng ta thấy tu là dễ hay khó? Vào chùa ngồi yên không ai động tới mình thấy dường như dễ, đâu có gì khó, nhưng tu đến nơi đến chốn không phải đơn giản, rất là khó. Song dù khó đến đâu chúng ta nhất định phải tiến tới, không phải nghe nói khó rồi lùi, đừng thấy bờ cao chớn chở rồi thối lui vì ngán leo không nổi. Tuy bờ cao, nhưng chúng ta ráng leo tới cùng mới thôi. Đó là lời chúng tôi nhắc nhở cho tất cả Tăng Ni, nhất là Thiền sinh trong các Thiền viện.

Nguồn: https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/hai-quang-doi-cua-so-to-truc-lam/cu-tran-lac-dao-phu-hoi-thu-muoi

0977023696
article