Giỏ hàng

Tinh thần vô ngã trong đạo Phật

Đạo Phật chủ trương tất cả vì chúng sanh, không phải vì ta, vì mình. Chúng sinh luôn nhận lầm năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) chính là ngã nên tạo nghiệp khổ đau. Hơn nữa chấp luôn những thứ khác bên ngoài năm uẩn như nhà cửa, xe cộ, vợ chồng, con cái, tài sản là sở hữu của Ta cho nên vô minh chồng chất lên vô minh, khổ chồng chất lên khổ. 

Trong Kinh A Hàm Đức Phật dạy rằng: “Cái khổ của cảnh địa ngục bị thiêu đốt chưa phải là khổ, cái khổ làm ngạ quỷ đói khát lang thang chưa phải là khổ, cái khổ làm súc sanh trâu, bò, heo, dê,…chưa phải là khổ, chỉ có si mê không biết lối đi mới chính là khổ.” Như vậy cái cứu khổ của đạo Phật không có trên hình tướng, vì đạo Phật thấy con người còn si mê thì còn muôn trùng khổ, chỉ có giác ngộ mới thoát khỏi cái khổ muôn đời mà thôi. Đức Phật ra đời cũng vì một đại sự nhân duyên: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Nhân duyên lớn ấy là gì? Chính là: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, để cho chúng sanh được nhờ đó chuyển đổi mê lầm, giác ngộ thấy tánh tỏ tâm, vượt sống khỏi chết, lìa khổ được vui. Nếu như Bồ Tát không độ chúng sanh, không giáo hóa, không giúp đỡ chúng sanh thì tâm Bồ Đề của họ không hiển lộ được, hay nói cách khác, họ tu học công đức không thể viên mãn. Đây chính là tinh thần vô ngã trong đạo Phật.

Vô ngã là biết buông xả và sống vị tha 

Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) là bốn cái tâm rộng lớn phủ trùm tất cả chúng sanh, thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của mọi tâm lý tình cảm, thương ghét, giận hờn, tị hiềm, kiêu căng, nghi ngờ, ngã mạn, phá vỡ tà kiến, thân kiến, chấp kiến trước mọi trí tuệ mê mờ, lầm lạc. Nếu không có bốn cái tâm này thì chúng ta khó thực hiện được tâm vô ngã.

Từ là ban vui, đem tình thương vô điều kiện đến cho tất cả chúng sinh. Trong cuộc sống, nếu muốn đem an vui đến cho người khác để họ vui sống an lạc cần phải có lòng trắc ẩn thương người thương vật. Với lòng vị tha, vô ngã, thấu hiểu nỗi khổ niềm đau của chúng, đức Phật đã ban vui, hóa độ, cứu vớt tất cả chúng sanh, lòng từ đó trùm khắp tất cả. Chư vị Bồ Tát thì dùng nhiều phương tiện từ vật chất, tinh thần, giáo lý để giúp chúng sinh bớt mê khai ngộ, tháo gỡ bế tắc, ràng buộc để chúng sinh có thể sống đời thong dong, tự tại, an vui.

Bi là “lòng thường xót rộng lớn trước những nỗi đau khổ của chúng sinh và quyết tâm làm cho dứt trừ những đau khổ ấy.” Đạo Phật là đạo từ bi, đạo cứu khổ, thương người, thương vật và thương tất cả chúng sinh. Vì thương xót, đồng cảm với những nỗi khổ, niềm đau của chúng sanh mà giúp họ thoát khỏi phiền não, thấy giúp mà không có giúp, không có mong cầu báo đáp thì đó là Tâm bi của đạo Phật.

Hỷ nghĩa là “vui theo, vui theo những việc phước thiện, như khi thấy người đem của ra bố thí, tán thành, gíup đỡ với công việc của họ. Tâm hỷ là một trạng thái lạc quan, hỷ lạc nhưng nhìn sự việc bằng trí tuệ. Niềm vui thế gian là nhân đau khổ, còn niềm vui của những người có thâm nhập giáo lý là từ nhân thiện nghiệp, giữ giới, thiền định, giác ngộ, chuyển hóa phiền não và có được niềm vui trong công phu. Do đó mà tâm hỷ được thanh thản, nhẹ nhàng, không vướng bận.

Xả là tâm buông xả tất cả, không chấp chứa thị phi, nhân ngã, bỉ thử, phải quấy, tốt xấu, hơn thua, buồn vui, thương ghét. “Thói thường, khi chúng ta làm điều gì, nhất là khi được két quả tốt, thì  hay tự hào, đắc chí đôi khi ngạo nghễ khó chịu. Sự bất bình, cãi vã xung đột giữa bạn bè thân thuộc hay giữa nhóm này và nhóm khác cũng do tánh chấp trước, tự cho là quan trọng ấy. Nguyên nhân của tánh này là do sự chấp ngã, chấp pháp mà ra.” (Hòa Thượng Thích Thiện Hoa). Buông xả  những tạp niệm, suy nghĩ trói buộc, phiền não mà gây hại cho bản thân và người. Còn những gì tốt đẹp, lợi lạc cho mọi người thì giữ lại.

Tinh thần vô ngã trong đạo Phật 

Tất cả những người tu không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc muốn đạt được đến tiến trình tu tập đều phải Vô ngã, giáo lý vô ngã là nền tảng, là căn bản của đạo Phật. Đức Phật ban đầu Ngài đi tìm đạo gặp các vị tiên dạy cho tu đến các cõi thiền cao nhất của thế gian là thiền phi phi tưởng định, nhưng mà Ngài cũng không hài lòng và từ bỏ đi, bởi vì Ngài thấy tuy thiền này nó cao tột nhưng mà Ngài thấy nó chưa rốt ráo, chưa giải quyết được vấn đề sanh tử là cũng bởi vì vẫn còn có ngã, cái ngã vi tế. Chưa giải quyết vấn đề sanh tử nên Ngài từ giã ra đi. Nếu người tu hành mà tự mãn với thành tích tu hành của mình, vẫn còn thấy hơn người, tinh tấn hơn người, cho dù mình có hiểu thiền hiểu đạo nhiều đi nữa mà còn có cái ngã thì dù có công phu thế nào nhưng vẫn còn trong hàng hữu học.

Ngài Pháp Đạt gặp Lục tổ, Ngài tụng 3000 bộ Pháp Hoa, khi đến lễ Lục tổ đầu không chạm đất. Lục tổ hỏi: “Ngài còn chứa chấp sự nghiệp gì không?”, Ngài trả lời: “Con tụng 3000 bộ Pháp Hoa”, Lục tổ nói: “Dù ông tụng triệu bộ đi nữa nhưng còn ngã thì chẳng đi đến đâu”, lễ vốn là cốt để bẻ cờ mạng mà đầu không sát đất, nên nói: “Có ta tội liền sanh, không ta phước mới vô kể”.

Chấp ngã là cội gốc của vô minh và đau khổ 

Vì chấp ngã mà trong đời sống hằng ta khổ não, buồn đau vì tham, sân, si. Chấp ngã càng nhiều thì càng khổ đau. Nhưng nếu càng thực tập Vô ngã thì càng bớt khổ não, buồn đau. Do chấp ngã nên sinh chấp thủ, ngã sở, ngã kiến. Ai đụng vào thì liền nổi sân lên, lo sợ mất. Khi thực hành Vô ngã sẽ bớt bám vàotài sản là của Ta thì khi bị mất mát sẽ dễ dàng buông bỏ phiền não, chuyển hóa khổ đau.

Do chấp ngã kiến, lúc nào cũng cho mình là đúng, nên sinh ra cãi nhau, tranh luận hơn thua, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn. Người tu Vô ngã trở nên khiêm cung, không ngã mạn, khoe khoang, nên được mọi người thương mến.

Khi thấm nhuần giáo lý Vô Ngã thì đời sống của chúng ta luôn thấy an nhàn hạnh phúc, tự tại giữa cuộc đời. Từ đó phiền não tham, sân, si sẽ không còn cơ hội điều khiển chúng ta, không còn phải tái sanh luân hồi.

“Giáo lý Vô ngã là pháp ấn xác định rõ lời Phật dạy, nhưng mà đi đến một bước chúng ta hiểu vì sao phải phá nó. Bởi  hầu hết con người sống trên thế gian này hay nói chung là tất cả chúng sanh sống trên cõi đời này đều bị nó gạt nó lừa, chính vì vậy phải vào trong thế gian để chịu sanh tử, khổ đau tạo thành một thế gian đầy hỗn loạn cũng từ vô minh nhầm lẫn này đây. Cho nên phải xét cho sâu cho kỹ, sở dĩ mà sống ở đây mình thấy có ta, có người, có buồn vui, có giận ghét, hơn thua cho đến có tranh giành, cướp giật, ghen ghét, lấn hiếp, chê bai hoặc xúc phạm, chia rẽ rồi có phe này nhóm nọ, có đổ vỡ, có tan tác, có khóc lóc, có than thở, có khổ đau,… thì chung quy lại đều vì có ngã. Nếu không có ngã thì lấy ai để buồn, vui, giận, ghét lấy ai để chia đây, chia kia lấy ai để mà khóc lóc, than thở. Như vậy, nói cho kỹ cho rõ hơn đều bị cái ngã này nó gạt mới thấy nó nguy hiểm thế nào.” (Hòa Thượng Thích Thông Phương)

0977023696
article