Giỏ hàng

Tu tâm trong thời hiện đại

Hiện nay quý Thầy nghe nhiều vị trình bày cách học theo kiểu hiện đại, như quý vị muốn làm bánh thì lên mạng tìm kiếm Google thì có cách làm bánh, muốn trồng rau thì lên mạng gõ chìa khóa “trồng rau sạch” thì người ta cũng hướng dẫn cho mình, mình theo một thói quen đó cho nên muốn học Phật thì lên Google tìm kiếm để chỉ cho mình tu. Google có nhiều người giảng, Google có nhiều người viết, Google có nhiều quyển Kinh,…có đầy đủ cả, vậy thì chúng ta còn cần nghe quý Thầy giảng làm gì? Ở nhà nằm khỏe chứ mắc gì ngồi ở đây, ở đây thì nóng, 38 – 40 độ mà còn không có quạt, ở nhà có máy lạnh, lên Google có hết trơn thế có khỏe hơn không? Quý vị thấy đúng hay không đúng?

Mình chưa nói đúng hay không đúng mà phải hiểu cho tới nơi. Khi đưa lên Google không ai kiểm tra cả, cho nên nó lẫn lộn chưa được lọc. Qúy vị có đủ trí để lọc ra không? Nếu mà đủ trí thì không học, đúng nghĩa đủ trí là bậc vô học cho nên người ta sẽ không tìm kiếm Google, còn tìm học tức là người đó trí chưa đầy đủ, mà trí chưa đầy đủ thì “máy lọc” chưa tốt, chắc chắn sẽ còn tạp nham. Chưa lọc được thì chúng ta học cái gì? Đó là học theo kiến thức nhận hiểu bên ngoài, vá víu lại tạo được cái mệnh đề được cho là Phật Pháp.

Điều này vì sao lại nói như vậy? Bởi vì hiện nay quý vị thấy thấm thía, nó hay nhưng tới khi bệnh gần mất yếu đuối, hay bị cú sốc lớn thì cái thấy đó nó đi đâu hết trơn, mình vẫn khổ cho nên nó là loại kiến thức vá víu. Giống cái nhà khi đóng cửa lại trưng hoa cho đẹp, để nước hoa ra cho nó thơm rồi bật máy lành điều hòa lên và cho đó là giải thoát. Đó không phải là giải thoát, giải thoát tức là quý vị ở ngay vị trí 40 độ, nắng nóng, không có cái máy quạt nào, rồi dù trời nắng hay trời mưa lạnh mà tâm mình không biến đổi, tâm vẫn bình thản, tự tại. Còn đặt điều kiện phải mát mẻ mới giải thoát thì chỉ là ru ngủ bên ngoài mà thôi. Tương tự như vậy cái nhà đó là tự mình vá víu, tạo ra một nền tảng kiến thức có bản ngã, có sở thích, có trí thức qua hiểu biết qua cái tầm của mình, đem Phật Pháp để đắp cho hợp với cái phàm tình của mình. Rồi ru cái phàm tình, cảm thấy thích thú dễ chịu rồi cho nó là giải thoát. Đó là quý vị dùng Phật Pháp để trang điểm cái nhà của mình mà thôi.

Cái học vá víu đó không được cho là cái học từ tâm, mà học Phật là học từ tâm, xoay về những bản tâm đó mới là biết học Phật.

Vì sao Google không trúng? Vì một bài pháp phải đạt hai tiêu chuẩn cơ bản, một là khế lý, hai là khế cơ. Khế lý là hợp với chân lý giác ngộ, giải thoát của Phật dạy. Khế cơ là hợp với căn cơ của người đang ngồi nghe. Google, Ipad, máy tính không thể biết được căn cơ của mình, mà nó chỉ hợp với bản ngã, thói quen, cái thường tình của mình.

Quý vị tìm kiếm Google là tìm cái gì, chính là tìm cái hợp với mình. Nếu quý vị là chơn tâm Phật tánh, trí tánh hiện tiền rồi thì chắc chắn quý vị là bậc vô học thì quý vị không cần Google, ngay cả quý Thầy tu lơ mơ còn không thích xài Google nữa nói gì đến người đại trí, người đại trí thì các ngài không cần Google, người còn Google thì còn phàm tình. Mà tìm Google là tìm những thứ hợp với mình tại nó không có quán căn cơ được, mình quán cho mình cho nên tìm những thứ hợp với mình. Cho nên chúng ta học đạo mà học cách đó thì không phải tự tâm học, mà chẳng học quay về tâm, đó là nghiên cứu kiến thức, vá víu kiến thức, biến Phật pháp thành sở thích phục vụ cho bản ngã mê lầm của mình.

...Lên mạng mà gõ Google thì coi lại là dùng cái gì để học, dùng phàm tình học phàm tình theo kiểu nghiên cứu lắp ghép thì đi trong phàm tình. Học cho hay la cho lớn chứ thật ra quý vị biết giống con cá vậy đó, ở trong nước vẫy vùng kiểu gì thì ướt vẫn là ướt nhưng không ra khỏi mặt nước. Dù chúng ta có nghiên cứu tới đâu, có cảm nhận ngồi thiền, vá víu tới đâu mà còn trong phàm tình thì nói gì cùng là phàm tình thôi. Chúng ta nằm trong phàm tình, trong nghiệp thức, trong tâm sanh diệt, trong nghiên cứu suy tưởng, suy niệm để viết ra,…những thứ đó đều là phàm tình nói cho nhau nghe, chứ mình chưa ra khỏi nước thì cùng nhau giống bày cá tung tăng cho vui, mê vẫn mê. Vì vậy học đạo phải nhận ra cái tâm này. Các ngài nói ngay khi vừa thấy liền nhận thì mới thấy cái mình nhận ra trước khi chúng ta xuất hiện nó đã có rồi. Ngay đó là đốn ngộ cùng Phật, Tổ làm thầy.

....

Tóm lại, tu tâm nôm na sơ cơ buổi đầu thì chúng ta bằng tâm vọng động để sửa, hàng phục, điều chỉnh mà tu tập. Bước hai nhận tự tánh (kiến tánh) sống trong đó mà chơn chánh tu hành, đó là tu tâm.

(Trầm Tuệ ghi lại và lược trích trong bài giảng Tu tâm của Thầy Thích Tâm Hạnh - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã)

0977023696
article