Giỏ hàng

Độc đáo giá trị của Trầm hương trong các tôn giáo

Từ bao đời nay, Trầm hương là một sản vật quý giá gắn liền với văn hóa tâm linh của nhân loại. Trong mỗi tôn giáo, Trầm hương lại chứa đựng ý nghĩa độc đáo và riêng biệt. Khi đọc các kinh điển của Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo chúng ta sẽ thấy thứ gỗ đặc biệt này được nhắc đến rất nhiều. 

Trầm hương - hương thơm Niết bàn nhà Phật 

Trầm hương trong kinh điển

Trầm hương luôn giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống Phật giáo và chứa đựng một nguồn năng lượng không gì sánh bằng. Trong Kinh Pháp Hoa Giảng Lục Tập III của Hòa thượng Thích Thông Phương (Phẩm thứ 19 - Pháp sư công đức) có viết:

Lại nữa, Thường Tinh Tấn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn, thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, trọn nên tám trăm tỷ công đức, dùng tỷ căn thanh tịnh đó nghe khắp cõi Tam thiên đại thiên, trên dưới trong ngoài, các thứ mùi bông Tu mạn na, mùi bông xà đề, mùi bông mạt lợi, mùi bông chiêm bặc, mùi bông ba la la, mùi bông sen đỏ, mùi bông sen xanh, mùi bông sen trắng, mùi cây có bông, mùi cây có trái, mùi cây chiên đàn, mùi trầm thủy, mùi đa ma la bạt, mùi đa dà la, đến trăm nghìn thứ hòa trộn, hoặc là bột, hoặc là viên, hoặc là hương hoa, người trì kinh này ở trong đây đều có thể phân biệt. 

… Người trì kinh này dầu ở nơi đây cũng nghe mùi trên các cõi trời: mùi cây ba lợi chất đa la, cây câu bệ đà la, cùng mùi bông mạn đà la, bông đại mạn đà la, bông mạn thù sa, bông đại mạn thù sa, mùi gỗ chiên đàn, trầm thủy các thứ hương bột, mùi các hoa đẹp. Các thứ hương trời như thế hòa hiệp thoảng ra mùi thơm đều nghe biết”.

Trầm hương Kinh Pháp Hoa Giảng Lục Tập III của Hòa thượng Thích Thông Phương Phẩm thứ 19 Pháp sư công đức

Khi tìm hiểu bộ Kinh Minlindapanda (Mi Tiên vấn đáp) xuất hiện khoảng 500 năm sau khi đức Phật nhập Niết bàn, được Phật giáo Miến Điện xếp vào hàng Thánh điển và Phật giáo Tích Lan đặt chung với 5 bộ Nikaya để tôn thờ và phụng hành; có thể thấy trong cuộc đối thoại giữa vua Mi-lan-đà và tỳ kheo Na-tiên, Trầm hương luôn được nhắc đến xuyên suốt bộ kinh. Trầm Tuệ trích dẫn lại các phần trong kinh để các bạn cùng đọc: 

172. Niết bàn có xen lẫn khổ?

...họ ướp trầm, xông hương, trăm loại hoa hương tỏa ngát đêm ngày, những hương liệu nồng nàn được tỏa ra từ các loại chiên đàn, già la; từ mái tóc, áo quần, từ da thịt nõn nà; từ bột hương, nhụy hương, từ khăn thơm, chăn màn, gối, đệm v.v... Đâu đâu cũng thơm mê ly như đưa con người vào cõi hương bồng bềnh, vi diệu.

176. Có ai thấy Phật không?

- Đúng vậy! Người thọ trì ngũ giới, bát quan giới, tiểu giới, đại giới, tứ thanh tịnh giới... sẽ có được hương thơm, như Đức Thế Tôn đã thuyết: "Hương hoa lài, hương hoa sen thơm tho lắm; và quý báu nhất là hương chiên đàn, hương trầm. Nhưng các loại hương ấy không thể thơm ngược chiều gió. Chỉ có giới hương là lan tỏa khắp mười phương, tám hướng. Giới hương còn cao quý hơn cả thiên hương.

Trầm hương Kinh Minlindapanda (Mi Tiên vấn đáp)

- Tâu, vâng! Ta tiếp tục. Đây là "giải thoát bảo châu"! Đây là loại trang sức, trang điểm bình thường của những công dân ở cõi Thánh. Những vật thoa, vật thơm, những tràng hoa trang điểm ở thế gian như trầm hương, cây có vỏ thơm, gỗ mục thơm, mạt chiên đàn, hoa tỷ quân, hoa hường, hoa huệ, hoa dâm bụt, hoa cúc, hoa lay ơn, hoa lài kép, hoa lý, hoa ngâu, hoa ngọc lan, hoa sứ, hoa phượng hoàng, hoa phong lan... thật không đáng kể. Hoặc hoa sen có mùi thơm bảy ngày, hoa cây có mùi thơm nửa tháng... cũng không nghĩa lý gì!

- Tâu, họ có quyền nói như thế, tâu đại vương! Quả đúng cái gì họ cũng đông hơn gấp bội, nhưng điều đó chứng tỏ gì? Chứng tỏ bao giờ vàng ngọc cũng ít hơn cát đá; trầm hương bao giờ cũng ít hơn tre gỗ.

- Còn nữa, các khu rừng trầm hương, rừng chiên đàn, rừng đại thọ... ấy là gì? Là vô lượng giới đức, định đức ở đấy, hoặc ngạt ngào hương thơm hoặc vững chãi kiên cố để cho muôn loại chúng sanh được chở che và được hưởng bóng mát.

Có thể thấy, tỳ kheo Na-tiên khi giải đáp những thắc mắc của vua Mi-lan-đa luôn khéo léo nhắc tới Trầm hương - một trong những hương thơm thanh tịnh nhất thế gian, chỉ sau mỗi Giới hương. 

Trầm hương - hương thơm giải thoát trong nhà Phật

Hương Trầm Tuệ được Quý Thầy chọn dâng hương trong Lễ giỗ tổ Trúc Lâm tại Yên Tử năm 2019

Khi thực hiện như nghi thức tụng kinh, lễ khai quang, cầu an, phóng sinh, lễ tắm tượng Phật, Trầm hương luôn được lựa chọn để thành kính dâng lên Tam bảo. Đây chính là cách thể hiện lòng tôn kính cao cả và có ý nghĩa biểu trưng cao nhất. Từ những buổi đầu sơ khai của Phật giáo cho đến ngày nay, hương trầm luôn giữ nguyên giá trị của nó. Với hương thơm thuần khiết, tạo sự linh thiêng và tẩy uế không gian, Trầm hương còn được suy tôn như “mùi hương của Niết bàn” - trạng thái giải phóng mọi đau khổ, tham ái và vô minh mà bất cứ người tu hành và Phật tử nào cũng muốn đạt tới cảnh giới đó. 

Ngoài ra, Trầm hương cũng được các nhà tu hành xông đốt khi Thiền định. Theo đó, mùi thơm thanh dịu của trầm chính là liệu pháp thiên nhiên giúp cõi lòng nhẹ nhàng, tâm trí tĩnh an, trí tuệ thông suốt, cơ thể thư thái. Lúc ấy, các giác quan cũng trở nên nhạy bén, từ đó nhập định sâu và khai mở trí tuệ.

Trầm hương nghi lễ tôn giáo kính dâng Tam bảo

Lư xông trầm trong Lễ khai đàn Dược Sư tại chùa Huê Nghiêm (Nguồn: phattuvietnam.net)

Mang nguồn năng lượng đạo lý trong nhà Phật, Trầm hương còn được chế tác thành các vật phẩm quý giá như tràng hạt của các nhà sư. Tràng hạt này có tên Japa Mala, loại phổ biến nhất có 108 hạt, biểu thị cho cầu chứng 108 pháp Tam Muội mà đoạn trừ 108 phiền não. Sức nóng từ bàn tay khi lần hạt tụng kinh sẽ làm hương trầm thêm thăng hoa, tạo cảm giác tĩnh tâm tuyệt đối để các nhà sư nhất tâm hướng về đức Phật.

Bên cạnh đó, cũng có câu chuyện tương truyền rằng: Các bậc cao tăng đạo hạnh đức độ đã sử dụng chuỗi hạt Trầm hương để điều trị bệnh cho chúng sinh khi đi khắp chốn nhân gian. Theo đó, nhờ uống nước Trầm hương giã nhuyễn từ chuỗi tràng hạt quý giá mà người bệnh tai qua nạn khỏi.

Trầm hương - mùi hương cao quý của đạo Công giáo

Trầm hương không chỉ gắn liền với văn hóa huyền bí phương Đông, nơi phật tử chiếm đa số mà còn là một vật phẩm có ý nghĩa linh thiêng với các nước phương Tây - khởi nguồn đạo Công giáo.

Có thể nói, Trầm hương chính là mùi hương của Công giáo. Cụ thể trong Kinh Tân Ước tại Phúc Âm của Giăng (20:39 Tiết 40), sau khi chịu khổ hình đóng đinh trên cây Thánh giá để gánh tội cho nhân loại, cơ thể quý giá của Chúa Giêsu đã được xức bằng hỗn hợp nhựa cây Mật nhi lập và Trầm hương. Tổng cộng có 5 lần Trầm hương được ngợi ca trong Kinh thánh như là 1 trong những loại hương liệu thơm nhất, cao quý nhất. Trầm hương xuất hiện ở cả Kinh Cựu Ước lẫn Kinh Tân Ước, cụ thể: quyển Dân số ký 24:6, quyển Thánh thi 45:8, quyển Châm ngôn 7:17, quyển Nhã ca 4:14, quyển Giăng 19:39. 

đức Giáo hoàng người đứng đầu Giáo hội bình xông trầm  tín hữu nghi lễ tòa thánh Vatican

Đức Giáo hoàng - người đứng đầu Giáo hội cầm bình xông trầm trong một nghi lễ của đạo Công giáo (Nguồn: Internet)

Cũng theo lịch sử Công giáo, nghi thức xông trầm cũng được truyền tụng trong Thánh lễ chờ Chúa Giêsu phục sinh tại Jerusalem vào cuối thế kỷ thứ 4. Tại đó, người ta đốt nhiều bình Trầm hương xung quanh bàn thờ cho hương thơm tinh khiết lan tỏa khắp không gian linh thiêng của tòa thánh.

Kể từ đó, Trầm hương được sử dụng rộng rãi để xông đốt trong các lư hương dưới tượng Chúa. Hình ảnh đức Giáo hoàng - người đứng đầu Giáo hội cầm bình xông trầm và dẫn dắt các tín hữu trong các nghi lễ quan trọng tại Tòa thánh Vatican cũng dần trở nên quen thuộc. Các nghi thức xức dầu tại lễ ban phước, cầu nguyện, tang lễ… cũng dùng dầu thánh làm từ hỗn hợp ô liu, Trầm hương, nhựa thơm, xạ hương. 

Với các con chiên, việc dùng Trầm hương trong các nghi lễ có ý nghĩa sâu sắc. Mùi thơm êm dịu của trầm bày tỏ lòng tôn kính và cầu nguyện thiết tha, tạo sợi dây kết nối linh thiêng với sự màu nhiệm của Chúa. Trầm hương còn có tác dụng làm tinh sạch bầu không khí, bảo vệ, xua trừ tà thần ma quỷ. Nhờ đó, mọi người được thanh tẩy tâm hồn và Thánh hóa, trở nên thanh sạch, được Chúa chấp nhận.

Ngoài ra, các chuỗi tràng hạt Mân Côi hay mặt dây Thánh giá càng tăng thêm giá trị linh thiêng và trang trọng khi được làm bằng gỗ Trầm hương. Tất cả để bảo chứng cho tình yêu thuần khiết, đức tin vững vàng và một lòng hướng về đức Chúa Trời.

Người theo đạo Công giáo dâng lên Thiên Chúa hương trầm để bày tỏ lòng tôn kính và kinh nguyện của mình. Họ coi hương thơm như là một biểu tượng rõ ràng của lời nguyện mà toàn thể dân thánh bày tỏ đang bay lên tận thiên nhan Chúa như tác giả Thánh vịnh diễn tả: “Ước chi lời con nguyện, như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan” (Tv 140,2). Sách lễ của Amiens ghi lại: "Xin đoái nhận hương trầm đây làm nên mùi thơm dịu ngọt để tha thứ tội con và tội của dân Chúa"

Người theo đạo Công giáo dùng trầm hương để xông nhằm biểu đạt sự tôn kính và cầu nguyện nồng nàn, như Thánh Kinh đã nói (x. Tv 140,2; Kh 8,3). Mùi thơm êm dịu của trầm hương và làn khói toả lan khi xông hương làm cho người ta cảm nhận và dễ dàng đi vào bầu khí và sự siêu việt liên kết giữa trời với đất của mầu nhiệm thánh đang cử hành trước nhan Chúa cũng như nhắc nhớ cho mọi người là dân thánh của Chúa. Dâng hương trở thành như sự dâng hiến của lễ hy sinh của con người hợp với lễ tế toàn hảo của Chúa Kitô mà dâng lên Chúa Cha hầu làm đẹp lòng Ngài.

Đạo Công giáo coi xông hương vốn là phương thế làm cho tinh sạch bầu không khí, mang ý nghĩa thiêng liêng là xua trừ tà thần ma quỷ cũng như thanh tẩy và thánh hoá tín hữu. Theo ý nghĩa này, xông hương có ý nghĩa thanh tẩy và thánh hoá mọi người để chuẩn bị tâm hồn họ bước vào trong phần long trọng nhất của thánh lễ là Kinh nguyện Thánh Thể.

Trầm hương - bảo vật trong Hồi giáo

Từ ngàn xưa, người đạo Hồi đã sử dụng Trầm hương như vật phẩm đặc biệt quý giá và quan trọng. Lội ngược dòng lịch sử, thứ gỗ thiên nhiên này đã được nhắc đến nhiều lần trong Hađidth - tập hợp những lời giáo huấn của nhà tiên tri Muhammad. Theo đó, Trầm hương không chỉ là loại hương liệu yêu thích của nhà tiên tri Muhammad, được ngài sử dụng hằng ngày mà nó còn là một phương thức quý có khả năng chữa được nhiều tật bệnh.

Và cho đến nay, người đạo Hồi không thể thiếu Trầm hương trong những nghi lễ lớn nhỏ vì nó mang ý nghĩa kết nối siêu việt giữa đời thực và thế giới tâm linh. Họ cho rằng các vị thần của họ rất thích mùi của Trầm hương. Vì thế, làn khói trầm sẽ gửi gắm trọn vẹn lời nguyện ước đến với các vị thần. Người Hồi giáo dùng trầm hương ví như dùng cơm ăn nước uống hàng ngày. Trước khi làm lễ, người theo đạo Hồi nhất thiết phải xông trầm khắp cơ thể và áo choàng, họ quan niệm rằng phải dùng trầm hương thì thân thể mới trở nên thanh tịnh và mới có khả năng đến gần các vị thần. 

Trầm hương bảo vật Hồi giáo Hađidth giáo huấn nhà tiên tri Muhammad Thánh địa

Nghi thức xông Trầm Hương trong nghi lễ Hồi giáo của người Trung Đông (Nguồn: Internet)

Trầm hương là một phần không thể thiếu trong nghi lễ tẩy rửa Kaaba - thánh đường linh thiêng nhất của người Hồi giáo tại Thánh địa Mecca, Ả Rập Xê Út. Các vị khách mời sẽ sử dụng khăn trắng có tẩm tinh dầu hoa hồng, Trầm hương, xạ hương để lau các bức tường bên trong của Kaaba nhằm giữ gìn sự trong sạch nơi đây. Tinh dầu Trầm hương cũng được xem là bảo vật trừ tà, tẩy uế không gian hiệu nghiệm. Người Hồi giáo thường bôi tinh dầu trầm khắp người để bảo vệ sức khỏe và trừ tà. Tại Ấn Độ, xác chết sau khi được hỏa thiêu sẽ được bỏ thêm vào các mảnh Trầm hương để tạo mùi thơm và đưa vào nhà thờ cúng.

Với người đạo Hồi, Trầm hương là một phương thuốc quý có khả năng chữa trị được nhiều bệnh tật. Mang mùi hương nhẹ nhàng gắn kết cảm xúc, Trầm hương còn đại diện cho tình yêu thăng hoa của lứa đôi. Các cặp tình nhân thường mang hoặc xoa Trầm hương trên mình để cầu nguyện và mong Thánh Allah giúp đỡ trước những sóng gió trắc trở. 
Cũng như các tôn giáo khác, gỗ trầm được chạm khắc tỉ mẩn thành chuỗi hạt cầu nguyện của người Hồi giáo. Chuỗi này được gọi là Misbaha hoặc Tasbih, thường có 99 hạt, tương ứng với 99 tên của Thánh Allah.

Cũng giống như sen dù mọc từ bùn nhưng vẫn mang vẻ đẹp tinh khiết không nhiễm bụi trần; Trầm hương sinh ra từ những tổn thương của cây dó bầu, kết tinh linh khí của đất trời qua hàng nghìn năm để dâng hiến cho đời hương thơm ngọt ngào, thanh tịnh xuất thế gian. Hòa vào dòng chảy văn hóa tín ngưỡng đa dạng của nhân loại, Trầm hương đã chứng minh giá trị màu nhiệm không gì sánh bằng. Điều đó đã tạo cho thứ gỗ quý một vị thế vững chắc để trở thành vật phẩm không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mỗi người. 

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

0977023696
article