Giỏ hàng

Hương trầm chiều ba mươi

Năm nào cũng vậy, cứ tối ba mươi Tết, khi khói hương từ bàn thờ bắt đầu tỏa ra, thơm ngan ngát khắp nhà, tự nhiên lòng tôi lại thấy xốn xang khó tả. Biết bao nỗi niềm ùa về, lặng lẽ trong mùi hương trầm hư ảo ấy.

Mà kể cũng lạ, một năm có biết bao nhiêu ngày rằm, mồng một; bao nhiêu cái Tết lớn nhỏ… Những dịp ấy, khi thắp hương lên bàn thờ lòng tôi cũng thoáng chút bâng khuâng. Nhưng chút bâng khuâng ấy qua đi rất nhanh, nhẹ như một tiếng thở dài. Còn cái bùi ngùi, nao nao, nhớ thương lẫn lộn thì chỉ riêng ngày ba mươi Tết mới có. Lúc này, mâm cỗ cúng tất niên đã được bày trang trọng trên bàn thờ.

Đèn nến, mâm ngũ quả, bánh trái, mứt kẹo cũng đã bày biện sẵn từ trước. Những nén hương trầm đang ngún dần, khói hương phảng phất. Khói hương trầm nôn nao đưa tôi về với những cái Tết xưa, những cái Tết hồn nhiên vô tư của một thời trẻ thơ hạnh phúc.

Hương trầm chiều ba mươi

Tôi lại thấy tôi thuở nhỏ, những ngày áp Tết, tôi và anh chị tôi hò nhau quét tước đường đi lối lại, ngõ trước sân sau cho thật sạch sẽ tinh tươm. Rồi lại cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa.

Gọi là trang trí nhà cửa cho hay chứ thực ra là nhà tranh vách đất, có gì đâu. Chỉ là gỡ bỏ lớp báo cũ đã ố vàng trên bức vách nứa ngăn giữa nhà, dán lên đó một lớp báo mới, vài bức tranh. Những bức tranh cha tôi mua về từ phiên chợ trước: tranh tứ quý: tùng, trúc, cúc, mai, tranh, Lý ngư vọng nguyệt, Gà đại cát, Lợn ăn ráy, đôi câu đối đỏ…

Tôi săm soi từng bức tranh, sờ lên mặt giấy láng, hít hà, thấy mùi mực in, mùi giấy mới sao mà thơm tho. Tôi cẩn thận dán từng bức tranh cho thật phẳng phiu, ngay ngắn. Làm xong, tôi cứ mê mẩn ngắm mãi, thấy ngôi nhà của mình sao mà đẹp thế, đáng yêu đến thế.

Những nén hương trên bàn thờ cứ lặng lẽ tỏa hương. Mùi hương trầm gợi nhớ thương những người thân yêu đã khuất. Tôi nhớ mẹ tôi. Chiều hai tám mẹ đã vo gạo, đãi đậu, rửa lá làm nhân để gói bánh chưng. Mẹ bảo gói bánh sớm để tất niên là có bánh cúng cụ, lệ nhà lâu nay vốn thế.

Suốt buổi chiều, mẹ ngồi trong gian bếp nhỏ, cặm cụi gói từng chiếc bánh. Mẹ còn sai tôi cắt tờ giấy đỏ thành từng vuông to bằng cái bao diêm, dán cho cây mít, cây nhãn, cây na trong vườn mỗi cây một vuông. Như thế là người phong bao cho cây cối, để sang năm cây được sai hoa, có nhiều quả ngọt cho người. Mẹ bảo vậy.

Tôi nhớ cha tôi. Những chiều ba mươi Tết như thế này, cha khăn áo chỉnh tề, bưng mâm cỗ cúng trịnh trọng đặt lên bàn thờ, thắp hương. Không biết cha khấn những gì, chỉ biết người đứng chắp tay rất lâu, nét mặt nghiêm trang. Khói hương lẩn quất, mùi hương thơm dìu dịu khắp nhà.

Sau này, có lần cha bảo với tôi rằng đó là lúc nhà ta chính thức ăn Tết, phải mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với gia đình, con cháu, để tỏ tấm lòng biết ơn với những người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Làm người thì không được quên nguồn cội…

Quanh năm suốt tháng tất bật với những lo toan bộn bề của cuộc sống, chẳng mấy khi có thời giờ mà ngẫm ngợi, nhớ nhung. Cho nên ngày cuối năm, khói hương trên bàn thờ khiến hồn lắng lại, cho tôi được sống với những kỷ niệm êm đềm, những yêu thương ấm áp. Bao nhiêu ưu tư, phiền muộn bỗng tan biến hết. Lòng trẻ lại, nhẹ nhõm, thanh thản.

Thắp thêm nén hương lên bàn thờ, tôi lắng nghe mùa xuân mới bình yên, hạnh phúc đang về.

Ba Hưng (Báo Tuổi Trẻ)

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article