Dòng thiền Trúc Lâm - dòng thiền nhập thế
Thiền phái Trúc Lâm với bản chất của một tinh thần nhập thế, tức là đưa Phật pháp vào lòng người, đưa đạo vào đời.
Thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gắn liền với vua Trần Nhân Tông, Ngài là vị vua đời thứ ba của nhà Trần, là một bậc tôn quý, một vị vua anh hùng lãnh đạo cuộc kháng chiến chặn đứng cơn đại hồng thủy Nguyên - Mông lúc bấy giờ. Ngài có công đưa vương triều Trần thế kỷ XIII trở thành triều đại anh minh nhất, thái bình thịnh trị trong lịch sử Đại Việt. Thế nhưng, cũng như vua Trần Thái Tông không thích làm vua, có lần ngài trốn lên núi Yên Tử đi tu nhưng không được. Sau đó Ngài trở về vừa làm tròn trách nhiệm của một vị vua vừa tu hành. Đất nước yên ổn, Ngài sẵn sàng từ bỏ cuộc sống cao sang quyền quý mà xuất gia chứng đạo, đem chân lý giác ngộ truyền đạt khắp mọi nơi để cho tất cả mọi người đều được lợi ích. Từ trong triều đình cho đến người dân nơi thôn quê, Ngài giáo hóa tùy theo căn cơ của mỗi người. Người trí thức thì giáo hóa theo trí thức; người bình dân thì giáo hóa theo bình dân. Mục đích là giúp cho người người chuyển hóa mê lầm, đi theo con đường hướng thiện, để xã hội càng đi lên.
Thiền phái Trúc Lâm với bản chất của một tinh thần nhập thế, tức là đưa Phật pháp vào lòng người, đưa đạo vào đời. Sau khi xuất gia, vua Trần Nhân Tông buông bỏ tất cả, chuyên tâm tu hành miên mật. Sau đó Ngài chu du khắp nơi truyền bá chánh Pháp, khuyên dân chúng bỏ tập tục mê tín dị đoan, tu hành thập thiện, giữ ngũ giới… Muốn tìm con đường giác ngộ không thể từ bỏ thế gian này được. Với tinh thần Bồ Tát đạo thì người con Phật càng phải dấn thân vào cuộc sống, đồng sự với chúng sanh, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, tùy duyên mà giáo hóa người.
Đạo và đời luôn luôn gắn kết song hành cùng nhau (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế nên thời Tam Tổ Trúc Lâm có rất nhiều Tăng, Ni, quan chức, dân thường tu hành ngộ đạo. Các vị có thể vận dụng Phật pháp một cách tinh tế trong việc giáo hóa, an dân, trị nước. Đạo và đời luôn luôn gắn kết song hành cùng nhau, phát huy trí tuệ, sự đoàn kết trong mỗi người Việt Nam tạo nên sức mạnh để làm nên những chiến công hiển hách, thắng nhiều kẻ thù xâm lược. Đem đạo đến với đời bằng nhiều phương thức phù hợp với từng lứa tuổi, giúp cho tất cả mọi người vừa tu hành vừa làm lợi ích cho đời. Nếu chúng ta có đầy đủ niềm tin và chánh kiến thì dù sống và làm việc cho đời, vẫn biết cách giữ mình, không sống trái với đạo, cẩn trọng hiểu đúng nhân quả, không “quên mình theo vật”,… thì dù là hình tướng tại gia nhưng tâm có thể xuất gia. “Chúng ta phải linh động Phật giáo cả mọi khía cạnh, nguồn sinh lực Phật giáo dồi dào qua hành động ngôn ngữ của các Phật tử tại gia. Phật tử biết áp dụng phần nào lời Phật dạy vào cá nhân và gia đình thì Phật pháp sẽ trường tồn và phát triển mãi mãi.” (HT.Thích Thanh Từ)
Trách nhiệm người Phật tử trong cuộc sống
Người Phật tử ngoài làm tròn bổn phận trong gia đình và xã hội, còn có trách nhiệm gần gũi, giữ gìn sự gắn kết với ngôi Tam Bảo (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Trách nhiệm của những người con Phật là luôn khéo léo đồng hành với tất cả mọi người. Luôn hướng họ đến giá trị chân, thiện, mỹ; đồng nghiệp, bạn bè hay khách hàng gặp những vấn đề nan giải thì luôn lắng nghe, khuyên nhủ đúng Pháp; loại bỏ những sai lầm trong quan niệm, tập tục mê tín dị đoan,…. Nhưng muốn làm những điều này thì bắt buộc mỗi người chúng ta phải phát tâm bồ đề tu tập, hành Bồ Tát đạo, tinh tấn công phu để phát huy trí vô sư. Nếu không nắm vững nhân quả, chánh Pháp của đạo Phật thì lệch lạc tư tưởng, truyền bá dị đoan thì không những không có phước đức, ngược lại tạo bao nghiệp nhân xấu ác.
Người Phật tử ngoài làm tròn bổn phận trong gia đình và xã hội, còn có trách nhiệm gần gũi, giữ gìn sự gắn kết với ngôi Tam Bảo. Vì bảo vệ Tam Bảo thường còn ở thế gian, vì truyền bá đạo pháp lợi ích chúng sanh, gần gũi phụng sự Tam Bảo để mạng mạch Phật giáo được trường tồn.
Tham khảo:
- Lược sử sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Phật hoàng Trần Nhân Tông
- Tam Tổ Trúc Lâm (Phần 1)
- Hành trình về nguồn 2019
- Trầm Tuệ - Hành trình về chốn Tổ
- Vua Trần Nhân Tông và tinh thần "Bụt ở trong nhà"
TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT
Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam