Giỏ hàng

Tam Tổ Trúc Lâm (Phần 1)

I. Sơ lược về Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam  

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ thứ I TCN và đi vào lòng dân tộc với bao thăng trầm. Tuy nhiên, chỉ đến khi xuất hiện Thiền phái Trúc Lâm mà vua Trần Nhân Tông là vị Tổ thứ nhất ở thế kỷ XIII thì Phật giáo Việt Nam mới chính thức có tông phái riêng, nền tảng triết lý, hành đạo riêng với tư tưởng nhập thế đạo đời không tách rời. Một Thiền phái mang tên Việt Nam, với ông Tổ người Việt Nam, lại là một vị vua anh hùng của dân tộc. Đây là một chấm son trên lịch sử dân tộc nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Trước khi có Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, ở nước ta từng có 3 dòng Thiền lớn: Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi, Dòng Vô Ngôn Thông và Dòng Thảo Đường. 

  • Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi là do Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi, người Nam Thiên Trúc qua Trung Hoa, rồi tháng 3 năm 580 sang Việt Nam, ở chùa Pháp Vân mở đầu một dòng Thiền và đã truyền pháp cho Thiền sư Pháp Hiền, người Việt. 
  • Dòng Vô Ngôn Thông do Thiền sư Vô Ngôn Thông họ Trịnh, người Trung Hoa, sang Việt Nam vào 820, ở chùa Kiến Sơ. 
  • Dòng Thảo Đường do Thiền sư Thảo Đường người Trung Hoa truyền pháp ở nước ta thế kỷ XI. Vào năm 1069, vua Lý Thánh Tông đưa quân đi đánh Chiêm Thành, đem về một số tù binh, trong đó có Thiền sư Thảo Đường.

Thế kỷ XIII, nhà Trần lật đổ nhà Lý, vua Thái Tông lên ngôi năm 1225 mở ra một triều đại mà các vị vua và tôn thất đều mến mộ Phật giáo, nghiên cứu tu tập và có sự chứng đắc. Điển hình là vua Trần Nhân Tông, sau hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông (1285 và 1287) đã nhường ngôi lại cho Trần Anh Tông, về làm Thái thượng hoàng và tu hành trên núi Yên Tử rồi sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.

Vua Trần Thái Tông là người thống nhất sát nhập 3 dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và hình thành dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử duy nhất đời Trần, người có công đặt nền móng thiết lập cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nhưng người khai sáng và làm rạng danh Thiền phái là vua Trần Nhân Tông. Đệ nhất Tổ Trúc Lâm cũng là hiệu của vua Trần Nhân Tông.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt mang đậm tinh thần nhập thế, muốn tìm con đường giác ngộ không phải từ bỏ thế gian này mới giác ngộ được. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Sơ Tổ Trần Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang.

Tam Tổ Trúc Lâm (Phần 1) Sơ Tổ Trần Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà) Nhị Tổ Pháp Loa Tam Tổ Huyền Quang

Tôn tượng Trúc Lâm Tam Tổ tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác

II. Tam Tổ Trúc Lâm

Sơ Tổ phái Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308)

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, là vị vua thứ ba của nhà Trần, ở ngôi 15 năm (1278 - 1293) và làm Thái Thượng Hoàng 15 năm. Ngài là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh hoàng thái hậu, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (1258). Ngài tuy ở vị trí sang cả mà tâm hâm mộ Thiền tông.

Từ nhỏ thái tử Trần Khâm đã được vua cha Trần Thánh Tông gởi Tuệ Trung Thượng sĩ dạy đạo lý. Tuệ Trung Thượng sĩ là một vị cư sĩ được ngộ đạo, đượm nhuần tinh thần thiền. “Khi học hỏi gần xong sắp trở về triều, trước lúc từ giã thái tử hỏi Tuệ Trung Thượng sĩ: “Bạch Thượng sĩ, pháp yếu của Thiền tông là gì?”. Thượng sĩ trả lời: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”.

“Phản quan” là soi sáng hay xem xét, “tự kỷ” là chính mình. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” có nghĩa xem xét lại chính mình là việc bổn phận, không phải từ nơi khác mà được.

Những lúc rãnh rỗi, Ngài mời các Thiền khách bàn giải về Tâm thiền, Ngài tham học thiền với Tuệ Trung Thượng sĩ, thâm đắc đến chỗ thiền tủy. Đối với Thượng sĩ, Ngài kính lễ làm thầy.

Sau hai lần lãnh đạo dân quân Đại Việt đánh thắng giặc Mông - Nguyên giữ yên bờ cõi đất nước. Vào năm 1293 Ngài đã nhường ngôi lại cho con lên làm Thái Thượng Hoàng để. Sau sáu năm chỉ dạy, Ngài sắp đặt việc xuất gia, "không nghĩ đến sự thụ hưởng giàu sang uy quyền tột đỉnh. Khi có giặc đến xâm lấn đất nước, buộc lòng Ngài phải đánh để gìn giữ giang sơn. Khi giặc yên Ngài nhường ngôi cho con. Chỉ dạy con xong, Ngài đi tu. Đó là ý kiến rất kỳ đặc của Ngài”.

Tam Tổ Trúc Lâm (Phần 1) Sơ Tổ Trần Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà) Nhị Tổ Pháp Loa Tam Tổ Huyền Quang1

Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông - Đệ nhất Tổ Trúc Lâm

Năm 1299, Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử và chuyên tu hạnh đầu đà (khổ hạnh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ở đây Ngài chuyên tâm cần công phu tu tập dốc chí tu hành, ăn mặc đơn sơ, giản dị, sống đạm bạc, ẩn dật mình nơi hoang dã, buông bỏ tình chấp ngã nơi thân tâm. Vì thế mà Ngài nhanh chóng đạt được kết quả lớn, nếm được mùi đạo vị.

Ngài đề cao tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, muốn tìm con đường giác ngộ không phải từ bỏ thế gian này mới giác ngộ được, tức không thể ngộ đạo, chứng đạo khi ở ngoài thế gian. Ngài khuyên dân dẹp bỏ những miếu thờ thần không chánh đáng và dạy dân tu trì Ngũ giới, hành Thập thiện.

Chủ trương của Sơ Tổ Trúc Lâm là Thiền giáo đồng hành, Ngài sai Ngài Pháp Loa kiết hạ và khai giảng trụ trì ở Báo Ân Thiền tự tại Siêu Loại, chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang.

Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông giữ vai trò đặc biệt trong lịch sử của dân tộc với sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Ngài là người đã xây dựng và phát triển một Thiền phái Phật giáo riêng có của người Việt. Chúng ta tự hào rằng khi nước Việt ta có một ông Vua xuất gia, ngộ đạo và thành Tổ một dòng Thiền mang đậm bản sắc dân tộc Việt, được kế thừa, phát triển, hoàn thiện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tinh thần tu tập của vua Trần Nhân Tông là tinh thần tu tập Phật đạo, vừa ly thế, vừa nhập thế. Do đó Ngài sau khi xuất gia dứt khoát buông bỏ, dành 5 năm tu tập miên mật, khổ hạnh trên núi Yên Tử. Sau khi ngộ đạo Ngài mới đem Phật pháp vào đời, cứu giúp chúng sanh bỏ tập tục mê tín, đưa đạo đến gần với nhân dân giúp họ tự thoát khổ đau, mê lầm.

Sau khi về thăm công chúa Thiên Thụy bị bệnh nặng, Ngài quay về Am Ngọa Vân tuy già bệnh mà Ngài vẫn đi bộ chớ không đi ngựa và bảo đệ tử: “Xuống núi tu hành đi, chớ xem thường việc sanh tử”. 

Ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Ngài hỏi Bảo Sát: “Hiện giờ là giờ gì?”. Bảo Sát bạch: “Giờ Tí”. Ngài nói: “Đến giờ ta đi”. Bảo Sát hỏi thêm: “Tôn túc đi đến chỗ nào?”. Ngài nói kệ đáp:

Tất cả Pháp chẳng sanh
Tất cả Pháp chẳng diệt
Nếu hay hiểu như thế
Chư Phật thường hiện tiền
Nào có đến đi ấy vậy.

Nói xong rồi Ngài nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, thọ 51 tuổi.

Nguồn: Thiền Sư Việt Nam - Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article