Nguồn gốc và ý nghĩa nghi thức tắm Phật
Nghi thức tắm Phật là một trong những nét văn hóa tâm linh cao đẹp của những người theo đạo Phật, thường được diễn ra vào ngày lễ Phật Đản hằng năm. Lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Theo đó, các bản kinh thuộc 2 truyền thống Nam Tông và Bắc Tông đều ghi lại rằng, khi Hoàng hậu Ma-da đản sanh Thái tử thì từ trên không trung có 2 dòng nước của chư thiên, một dòng nước mát, một dòng nước ấm rưới xuống để tắm cho Hoàng hậu cùng Thái tử.
Nguồn gốc lễ tắm Phật
Lễ tắm Phật cũng là một cách giúp chúng ta quán niệm đến việc gột rửa thân tâm của chính mình, để tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi tự tâm. Trong Đại Việt Sử Ký toàn thư có chép: “vào ngày mồng tám tháng tư năm Nhâm Tý (1072) vua Lý Nhân Tông đã ra chùa Diên Hựu dự lễ tắm Phật.” Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng ghi: “Qua các triều đại, nhà vua thường đến chùa lễ Phật, tổ chức lễ hội kỳ quốc thái dân an và dâng nước thơm tắm Phật vào những ngày sóc vọng.” Sách Lĩnh Nam Chích Quái chép: “ngày mồng tám tháng tư âm lịch, Man Nương tự nhiên thác hóa, nhân dân lấy ngày đó làm ngày sinh của Bụt.” Hàng năm cứ đến ngày này già trẻ, gái trai bốn phương tụ tập về chùa để dâng lễ, chung vui, ca hát, tục lệ này gọi là “Hội Tắm Phật”.
Theo dòng lịch sử dân tộc, lễ Phật đản cùng nghi thức Tắm Phật, đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong văn hóa Việt Nam “Mồng tám tắm Bụt không mưa, bỏ cả cày bừa vất cả lúa đi”.
Ý nghĩa nghi thức tắm Phật
Lễ tắm Phật hàm chứa một ý nghĩa vô cùng cao siêu. Pháp thân thanh tịnh, Phật tánh luôn tiềm ẩn trong mỗi người, thế nhưng vì phiền não, tham sân si mà bị che lấp khiến cho Phật tánh không được lộ ra. Muốn lộ Phật tánh, chúng ta phải mượn nước thơm để tẩy rửa bụi trần.
Lễ tắm Phật cũng là một hành động để mỗi người liên tưởng tới việc gột rửa thân tâm của bản thân mình nhằm tìm lại sự thanh tịnh vốn có.
Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Đối với người Phật tử, sự tôn kính, lòng nhiệt thành đối với Đức Phật trên nền tảng của chánh kiến mới thực sự mang lại cho họ một niềm tin trong sáng và sự an lạc đích thực, lâu dài. Mỗi khi dâng một nén hương, một đóa hoa, một phẩm vật lên Đức Phật, hay khi rưới những dòng nước tinh khiết lên tôn tượng của Ngài, đó chính là nhân duyên thù thắng để mỗi người quay về với chính mình, hầu tự sách tấn, tự trang nghiêm cho bản thân bằng hương đức hạnh, bằng hoa trí tuệ, và bằng nước nhẫn nhục, từ ái, tùy thuận thích ứng với mọi nhân duyên, ngay cả chướng duyên để hướng đến một nếp sống hướng thượng, tỉnh giác. Phải chăng chính những lúc đó, mỗi người đang tự tắm Phật trong từng sát-na của đời mình?
Phải chăng trong giây phút cảm ứng mầu nhiệm, ta cũng thấy được mình đang tắm gội đức Phật của chính mình, đúng như câu châm ngôn: “Trang nghiêm tự thân chính là trang nghiêm Giáo hội”.
(Trầm Tuệ tổng hợp)
Tham khảo:
- Phật Đản – Tiếng gọi “trở về”
- Nghi thức lễ tắm Phật
- Bài sám tụng lễ Phật Đản
- Rộn ràng nhịp vui Khánh đản
- Ý nghĩa ngày Phật đản sinh
TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT
Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam