Giỏ hàng

Quan điểm “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” đúng hay sai?

Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên trong năm mới của người Việt. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm cúng lễ rất chu đáo, tươm tất. Theo quan niệm dân gian, Rằm tháng Giêng là lễ cúng quan trọng nhất của cả năm vì thế nên có câu: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Vậy Phật giáo quan điểm thế nào về ngày Rằm tháng Giêng?

Tại sao nói “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?

Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên Tiêu. “Nguyên” là khởi nguyên, ban đầu; “tiêu” là buổi đêm; Nguyên Tiêu là đêm rằm khởi đầu của năm mới. Đối với người Việt, tại sao ngày Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng trong năm?

Theo quan điểm dân gian

Tâm lý của người Việt rất coi trọng những gì đầu tiên. Sự khởi đầu, sự mới mẻ như là ngày mùng Một đầu năm, rằm đầu tiên của năm phải làm thật tốt đẹp, suôn sẻ thì năm mới sẽ được những điều tốt đẹp, gọi là “đầu xuôi đuôi lọt”. Cho nên, việc cúng lễ Rằm tháng Giêng rất được coi trọng.

Một nguyên nhân nữa là về mặt xã hội, có những gia đình do duyên sự (như tang ma, bận bịu công việc) nên họ không thể ăn Tết vào những ngày đầu năm thì Rằm tháng Giêng là ngày Tết của họ. Đây là một ý nghĩa rất nhân văn.

Trong dân gian có câu: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Theo phong tục của người Việt, tháng ăn chơi là tháng mọi người đi hành hương lễ bái chùa chiền, cầu cúng các nơi và du xuân vãn cảnh. Cũng bởi hai lý do trên mà ngày Rằm tháng Giêng được coi là ngày đặc biệt.

Quan điểm “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” đúng hay sai?

Tháng Giêng là tháng mọi người thường đi lễ chùa (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Để giải thích cho việc tại sao trong một năm Rằm tháng Giêng lại được người dân Việt Nam coi trọng như vậy, nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cho hay: Ở vùng phía Bắc hay người Hoa họ coi ngày Rằm tháng Giêng rất quan trọng vì đến thời điểm đó thời tiết rất tốt, bắt đầu bớt lạnh, mọi vật đều trong trạng thái rất sung mãn, cũng hết hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là điều kiện thuận lợi để khởi đầu mọi việc của một năm mới.

Trong ngày này mọi người cho rằng nên phát tâm làm việc thiện, cúng dường Tam bảo, làm mâm cơm lễ ông bà tổ tiên và các vị thần linh cai quản khu đất nhà mình để được phù hộ độ trì.

Theo quan điểm Phật giáo

Theo Phật giáo, hàng tháng chư Tăng có hai kỳ bố tát vào ngày rằm và ngày 30 âm lịch. Bố tát là kiểm tâm, sám hối để cho thân tâm thanh tịnh. Cho nên vào ngày rằm, ngày 30, nếu Phật tử đến chùa lễ Phật hoặc gặp được chư Tăng tinh tấn tu hành, tác phước cúng dường thì sẽ nhận được phước báu lớn. Mùng một tiếp nối sau ngày 29, 30 cuối tháng - những ngày sau khi chư Tăng sám hối thanh tịnh cũng đều là những ngày lành.

Phật giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam hơn 40 năm qua. Có những thời kỳ đạo Phật là quốc đạo nên tất cả sinh hoạt văn hóa của Phật giáo đều tự nhiên thấm nhuần trong đời sống nhân dân. Việc dân ta đi lễ chùa ngày rằm, có lẽ cũng xuất phát từ việc cúng Rằm tháng Bảy. Trong kinh Phật dạy đó là ngày chư Phật, chư Thiên hoan hỷ. Vậy nên vào ngày này người dân thường phát tâm ăn chay, phóng sinh, cúng dường. Có thể vì những nguyên do như vậy mà ngày rằm của chùa đã trở thành một ngày như ngày lễ, ngày hội của người dân ở mỗi địa phương. Cứ đến mùng một, hôm rằm người dân lại nô nức lên chùa lễ Phật, Bồ Tát. Dần dần, việc đi lễ chùa vào ngày rằm trở thành một tập tục của người Việt, là ngày quan trọng không chỉ với riêng người Phật tử.

Có phải ngày Rằm tháng Giêng là ngày cúng lễ quan trọng nhất?

Đối với đạo Phật, ngày nào cũng đều cao quý nếu chúng ta biết sống tốt, làm được những việc thiện thì đều có phước báu. Đạo Phật không quy định ngày nào cúng lễ mới tốt mà tất cả sự cúng lễ của chúng ta nếu đúng Pháp thì đều có thể sinh ra phước báu tốt đẹp.

Phước báu của sự bố thí, cúng dường là phước báu sáu phần. Trong đó ba phần phước sinh ra từ phía người cúng và ba phần phước sinh ra từ người nhận cúng dường. Người cúng dường trước, trong và sau khi cúng dường sinh tâm hoan hỷ, tịnh tín thì họ được phước báu lớn. Về người nhận cúng dường là các bậc Tăng Ni, chư vị cao tăng thạc đức - là những người hướng đến ly tham, đã đoạn tham, đoạn sân, đoạn si. Các bậc giác ngộ có ruộng phước lớn, nếu chúng ta cúng dường đến bậc cao quý như vậy đều có phúc báu rất tốt.

Còn vật cúng dường thì phải là vật cúng dường đúng Pháp, thanh tịnh (không phải do sát hại sinh mạng, việc làm phi pháp), thì việc cúng dường sẽ được tốt lành và sinh nhiều phước báu.

Quan điểm “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” đúng hay sai?

Chúng ta dâng cúng lễ đúng Pháp thì phước báu được sinh ra (Ảnh minh họa. Nguồn: Trầm Tuệ)

Vào thời Đức Phật, các vị vua chúa quý tộc thường dâng lễ cúng dường mỗi khi đủ duyên. Họ thành kính thỉnh Phật đến, với họ được cúng dường Đức Phật và các vị Thánh Tăng vào ngày nào cũng là ngày tốt đẹp.

Vì vậy, trong đạo Phật không quy định ngày nào là ngày cúng lễ tốt nhất mà ngày nào hội đủ duyên lành, vật phẩm đúng pháp, cúng dường những bậc cao quý thì đều lợi lạc, được phước báu lớn. Cho nên quan niệm “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” chỉ là một tập tục. Mặc dù điều này có ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa Phật giáo, nhưng trong giáo lý nhà Phật không dạy phải đúng ngày Rằm cúng lễ mới tốt hay cho rằng Rằm tháng Giêng là ngày Rằm quan trọng nhất, cốt yếu nhất của cả một năm nên cần tổ chức lớn nhất. Điều này hoàn toàn không đúng. 

Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu thêm về tập tục cúng Rằm tháng Giêng và quý Phật tử có được tri kiến đúng đắn, hiểu đúng lời Phật dạy để tiến tu. 

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article