Thành kính tưởng niệm ngày Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn
Thành tâm tưởng niệm lần thứ 2566 năm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn. Đây là một trong bốn ngày trọng đại của cuộc đời của Đức Phật.
Từ khi thành đạo đến ngày nhập diệt, trải suốt 49 năm Đức Phật đã đi hoằng đạo khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác, hóa độ đến rất nhiều tầng lớp khác nhau, từ vua quan cho đến kẻ bần cùng, bạo tàn hung ác. Hễ ai có duyên đều được Ngài độ hết.
Đức Phật sau khi tự giác, đã giác tha và đến khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Ngài thấy rằng nhân duyên đã mãn và thời cơ đã đến, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Nên Ngài đã chọn vào rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 129 dặm và nhập Niết Bàn.
Có bốn lý do Đức Phật chọn nơi đây để nhập diệt:
- Thứ nhất để nhận ông Tu-Bạt-Đà-La làm vị đệ tử cuối cùng
- Thứ hai để tránh một binh biến can qua, máu chảy thành sông xương thây chất thành núi, khi 16 quốc gia lớn ở Ấn Độ trong vùng đánh nhau để giành xá lợi
- Thứ ba vì Ngài biết ở đó có một vị Bà La Môn tên là Dona, vị này là người rất có uy tín và có khả năng biện sĩ đứng ra phân chia xá lợi. Ông này có tên rất lạ là Dona, đây là sự trùng hợp lịch sử của vạn hữu vũ trụ
- Thứ tư là vì nơi đây đã bảy lần Đức Phật trong tiền kiếp nhập diệt và đây là lần thứ tám
- Khi Thế Tôn nhập diệt hoa Sa La đã rơi xuống như mưa, đại địa chấn động khủng khiếp, sấm trời vang rộng khắp mười phương. Lúc này có hai sự kiện xảy ra, đó là những vị tỳ kheo chưa giải thoát tham ái, chư Thiên và thiên thần còn tâm phàm, khi biết Như Lai nhập diệt đã lăn lộn qua lại và than khóc thảm thiết. Còn những vị tỳ kheo, chư Thiên đã diệt trừ được tham ái ai cũng trong chánh niệm, tỉnh giác, thấy các pháp đều vô thường, biến hoại
Đức Phật đã nhập Niết Bàn nhưng công đức, tấm gương của Ngài vẫn luôn soi chiếu cho con đường đi phía trước của chúng đệ tử (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Trước khi nhập diệt Đức Phật đã nói với Ngài A Nan: Này A Nan, hôm nay khi cây cối đã mãn tại Câu Thi Na bên rừng Sa La này Như Lai đã diệt độ. Với chánh niệm tỉnh giác, Thế Tôn nằm nghiêng bên phải, khi đó hoa Sa La trổ hoa cuối mùa tràn đầy hoa lá, hoa Sa La rơi xuống phủ đầy thân Như Lai để cúng dường Ngài. Nhạc trời trên hư không cũng trỗi dậy để cúng dường Như Lai.
Nhân cơ hội đó Đức Phật dạy rằng: Này A Nan, các cây Sa La tự nhiên trổ hoa trái, những hoa này rơi rụng, gieo rắc vơi vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Rồi các hoa trời Mạn đà la, hoa Chiên đàn, các loại hương trầm, hương bột reo rắc rải trên thân Như Lai để cúng dường. Các loại nhạc trời cũng réo rắc trên hư không vang lên để cúng dường và dầu vậy này các Tỳ kheo, không phải như vậy là tôn kính, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai đâu. Bất luận vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nào hay các thiện nam thiện nữ nào thực hành đúng theo lời dạy, đúng theo giới pháp và trang nghiêm đời sống của chính mình theo con đường chơn chánh, thì đó chính là người tôn kính, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai một cách cao thượng nhất. Vậy nên này các chư Tỳ kheo, hãy gắng công tu tập, y theo giới pháp và sống đời phạm hạnh. (Kinh Đại Bát Niết Bàn)
Việc hoa Sa La rơi xuống, hay nhạc trời reo vang để cúng dường Như Lai nhưng đó không phải là những thứ để cúng dường. Mà muốn cúng dường Như Lai tối thượng nhất đó là các đệ tử của Ngài phải thực hiện đúng chánh pháp, gìn giữ giới luật, làm được tất cả những điều mà Như Lai đã dạy, y theo giáo pháp mà hành.
“Chư hạnh vô thường,
Thị sanh diệt pháp,
Sanh diệt diệt dĩ,
Tịch diệt vi lạc.”
Sau khi Đức Phật nhập diệt tất cả đệ từ cùng cử hành lễ Trà Tỳ, tức là hỏa táng kim thân của Đức Phật. Điều này cho thấy tất cả các Pháp không thường còn, đã có sinh ra thì phải có hoại diệt nghĩa có sanh thì có tử. Nếu diệt được cái sanh diệt ấy, chấm dứt được sanh tử mới được gọi là đại vui của tịch diệt. Sanh tử đây là sanh tử của thân. Như Lai đã dạy:
"Này Ananda ơi! Ngươi chớ buồn rầu khóc than. Như Lai có dạy từ trước rằng những điều sanh nên phải có biệt ly, thay đổi, không sao tránh được. Ananda này! Vật bền vững mà chúng sanh mong mỏi, chúng sanh không thể mong mỏi được do nơi pháp hành đâu. Vật phát sanh bởi nguyên nhân cấu tạo phải có sự tiêu diệt là lẽ tự nhiên. Ananda này! Người được hầu hạ Như Lai cả thân khẩu ý, bằng tấm lòng từ bi vô hạn, đã lâu rồi ngươi là người đã làm việc lành, ngươi sẽ là người không còn phiền não rất mau, ngươi sẽ đắc được quả A la hán".
Trà tỳ xong, quốc vương 8 nước cùng phân chia xá lợi Phật và xây tháp cúng dường. Đức Phật đã nhập Niết Bàn nhưng công đức, tấm gương của Ngài vẫn luôn soi chiếu cho con đường đi phía trước của chúng đệ tử. Trong suốt 49 năm hoằng pháp, Đức Phật luôn độ chúng sanh trong mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp mà chưa một lần lơi là. Ân đức sâu dày của Phật không dễ gì báo đáp được.
Đức Phật là người có thể không màng đến danh lợi cuộc sống sung túc, giàu sang, đầy đủ. Cũng chẳng để tâm đến địa vị cao quý của mình mà xuất gia cầu đạo. Vất vả bao năm hành trì để rồi khi đạo quả đã thành, Ngài thương xót chúng sanh trong cảnh lầm mê mà đi khắp nơi truyền đạo cứu khổ để chúng sanh tự tìm cách giải thoát mình khỏi bể trầm luân, thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Chúng ta - hàng đệ tử của Đức Phật luôn ghi nhớ lời dạy của Người: “Ngày nào giới luật còn nghiêm minh, ngày ấy vẫn còn vững chãi, nguyên vẹn lòng kính trọng của giới cư sĩ và tất cả chúng sanh đến các vị”. Sống đúng với giáo lý của Phật, lấy Giới luật làm Thầy, dũng mãnh kiên định trên con đường hành Bồ Tát đạo.
"Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!..".
Nam mô giáo chủ cõi Ta Bà Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Tham khảo:
- Ý nghĩa ngày Phật đản sinh
- Ý nghĩa cao cả trong việc xuất gia tìm đạo của Ðức Phật
- Ý nghĩa ngày Phật thành đạo
- Ý nghĩa ngày Phật nhập Niết bàn
- Lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết bàn
TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT
Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam