Giỏ hàng

Ăn trong chánh niệm - Sống trong tỉnh thức

Trầm Tuệ bắt đầu dừng đón khách đến trải nghiệm ăn chay tại trụ sở khi tình hình dịch bệnh tại Hà Nội có những diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên, ngoài việc tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế, lãnh đạo của công ty quyết định sẽ không ngồi ăn theo mâm như trước mà chia theo khay và ngồi giãn cách. Mọi người giữ khoảng cách, không ngồi đối diện và chỉ tháo khẩu trang để dùng cơm sau nghi thức cử bát cúng Phật

Ăn trong chánh niệm - Sống trong tỉnh thức

Nếp ăn trong chánh niệm đã được đưa vào Quy tắc Văn hóa Trầm Tuệ. Tuy nhiên vào thời điểm trước, công ty thường xuyên đón khách đến trải nghiệm nên việc thực hành chưa được tròn trịa. Thời gian này chính là lúc để chúng tôi có cơ hội được thực hành nghiêm túc hơn. Ban đầu chưa quen nên đâu đó thi thoảng còn những tiếng thì thầm, dần dần mọi người bắt đầu tập trung hơn vào bữa ăn và chỉ ra hiệu khi cần, tuyệt đối không có tiếng nói. Có nhân viên chia sẻ bắt đầu thấy thích việc được ngồi ăn trong thinh lặng như hiện giờ, vì có thể cảm nhận rõ hương vị của món ăn và lắng nghe những thanh âm xung quanh. Tiếng nước chảy róc rách từ hồ cá, tiếng chim rúc rích chuyền cành, tiếng chuông gió ngân nga trong trẻo. Ăn xong mỗi người lại đeo khẩu trang và tự dọn khay ăn của mình vào khu vực nhà bếp. 

Thực chất việc ăn trong chánh niệm là một quy tắc sinh hoạt thường nhật trong các Thiền viện. Trước khi ăn, tất cả thầm quán tưởng thức ăn này từ đâu mà có, tri ân thiên nhiên đã ban tặng, tri ân người trồng rau trồng lúa, tri công sức người vất vả nấu nướng. Khi ăn, mọi người chậm rãi nhai, không nói chuyện.

Ai ơi nâng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Ăn trong chánh niệm - Sống trong tỉnh thức

Khi ăn theo một cách thức như vậy, không những thể chất vật lý mà phần tinh thần, tâm linh cũng đều được nuôi dưỡng. Cách ăn uống tưởng là việc nhỏ nhưng có tác động lớn đến sức khỏe và hiệu quả công việc trong ngày. Đôi khi vì bận rộn mà chúng ta lấy bất cứ thứ gì nhìn thấy trước mặt để ăn, nhai qua loa và vội vàng nuốt mà không hề ý thức đang ăn món gì. Chúng ta “nhai” những dự án, kế hoạch trong đầu; “nhai” những buồn giận, lo toan, sợ hãi. Chúng ta “nhai” quá khứ và cả tương lai. Việc ăn uống một cách vô tâm, không có sự tập trung sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe sau này như mất kiểm soát ăn uống, dẫn tới thừa cân, béo phì…

Ăn trong chánh niệm - Sống trong tỉnh thức

Thực chất ăn cơm cũng là một phép thực tập về chánh niệm và tỉnh thức rất sâu sắc. Trong khi ăn trong chánh niệm, ta sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại,. Ăn chỉ là ăn, vẫn cảm nhận hương vị mà không dính mắc bởi tâm phân biệt ngon dở. Thực hành pháp ăn trong chánh niệm, là mỗi chúng ta đang góp phần tăng năng lượng chánh niệm của tập thể thêm lớn mạnh. Tập ăn trong chánh niệm giúp tăng trưởng lòng biết ơn, thêm ghi nhớ lời răn nhắc: “Khi ăn xin nhớ ngăn ngừa tham, sân và si”, Ăn như thế nào để tăng trưởng lòng từ bi, giảm bớt khổ đau của muôn loài, hạn chế sự nóng lên của Trái đất và bảo vệ Mẹ Thiên nhiên.

Hãy chú tâm vào từng hành động nhỏ như việc gắp thức ăn vào bát rồi nhai nuốt từ từ. An trú trong hiện tại với tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) để bữa ăn trở thành những khoảnh khắc lắng đọng, giúp mỗi người ý thức hơn về những hạt giống thiện lành trong chiều sâu tâm thức - điều các Chư Tổ luôn nhắc nhở để trưởng dưỡng chúng mỗi ngày:

"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên.
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”.
(Cư Trần Lạc Đạo phú - Phật hoàng Trần Nhân Tông) 

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article