Giỏ hàng

Cúng dường là gì? Ý nghĩa và công đức của việc cúng dường

Cúng dường đọc theo âm Hán Việt là cung dưỡng hay cúng dưỡng. Cúng dường nghĩa là cung cấp, dưỡng nuôi, dâng cúng đồng nghĩa với từ biếu, tặng, dâng hiến, bố thí, cho,… Tuy nhiên tùy theo đối tượng, địa vị mà sử dụng. Đối với chư tăng thì dùng từ cúng dường; đối với cha mẹ hoặc những bậc tôn kính thì dùng thì biếu, dâng; đối với những người bạn của mình có thể dùng từ tặng; đối với những người dưới thì dùng từ cho hoặc bố thí; còn từ hiến thì dùng cho hiến xác, hiến máu, hiến tạng, hiến cho khoa học,…

Tóm lại cúng dường có nghĩa là cho đi, nghĩa là những vật sở hữu của mình như tiền bạc, tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, công sức … đem cho người khác, giúp chúng ta biết buông xả, mở rộng lòng từ, trừ diệt tâm keo xẻn, ích kỷ, được nhiều người quý mến, được giàu có ở hiện đời cũng như đời sau.

Hiện nay đa phần người Việt thường dùng thì bố thí là chỉ cho những người kém may mắn, nhưng trong các Kinh tạng thì từ bố thí và cúng dường giống nhau, đều dùng cho các chư Tăng, các vị Bà La Môn và những vị tôn quý.

Ý nghĩa của việc cúng dường

Chúng ta đều hiểu hạnh hiếu là hạnh Phật, đạo hiếu là đạo Phật, tâm hiếu là tâm Phật vậy nên là đệ tử Phật hiếu thảo không còn là trách nhiệm và bổn phận nữa mà hiếu thảo trở thành hạnh nguyện cao cả, thiêng liêng. Cha mẹ là những vị sinh ra ta có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với mỗi người con Phật, ngang bằng với Phật và các vị Đại Bồ-tát, nên “gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật vậy” (Kinh Đại tập).

Cha Mẹ chính là Phật, là Đại Bồ-tát nên phụng dưỡng Cha Mẹ với tất cả lòng biết ơn, kính trọng sẽ được phước đức vô lượng. Hiếu thảo theo lời Phật dạy là một hạnh tu, gồm đủ phước trí, tự lợi và lợi tha, công đức vô lượng. Thế nên, phụng dưỡng cha mẹ chính là một hạnh nguyện cúng dường.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật có dạy năm lợi ích của sự bố thí:

 “Một là được nhiều người ưa thích.

Hai là được bậc thiện nhân, chân nhân thân cận.

Ba là tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi.

Bốn là không có sai lệch pháp của người gia chủ.

Năm là khi thân hoại mạng chung, sinh lên cõi lành, thiện giới”.

Đã là một Phật tử thì chúng ta cần phải cúng dường Tam Bảo để tự nhắc nhở tâm tự quy y. Phải hiểu rằng cúng dường Tam Bảo là để nhớ ơn Tam Bảo, nhờ có Phật tìm ra con đường giải thoát khỏi bể khổ trầm luân trong vòng sinh tử luân hồi, hơn nữa là duy trì ngôi Tam bảo được trường tồn để tiếp tục giáo hóa chúng sanh. Ngoài ra cũng là một phương pháp tích lũy công đức rất thù thắng. Không phải vì không cúng dường Phật sẽ bị đói khát: Phật vốn không cần phẩm cúng dường của chúng ta. Chỉ là nhờ vào Phật mà khi dâng phẩm cúng dường, chúng ta tích lũy được nhiều công đức.

Cúng dường là nuôi dưỡng khiến Tam Bảo hằng còn ở đời. Tất cả những sự bảo bọc giúp đỡ gìn giữ để Tam Bảo thường còn đều gọi là cúng dường. Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phật đã quá khứ, chỉ còn lại hình tượng. Pháp bắt nguồn từ chữ Phạn đến chữ Hán còn nằm sẵn trong kho tàng nhà chùa. Tăng là những tu sĩ tu theo Phật học Chánh pháp. Chính những vị này có bổn phận gìn giữ hình tượng Phật còn, phiên dịch giảng giải Chánh pháp.

Tam Bảo đều quý kính, song hệ trọng nhất là Tăng. Nếu không có Tăng ai gìn giữ chùa chiền, ai giảng dạy Chánh pháp? Thế nên, cúng dường Tam Bảo là nói chung, mà hệ trọng là Tăng. Tăng chúng còn là Tam Bảo còn, Tăng chúng mất thì Tam Bảo cũng vắng bóng. Vì thế mọi sự cúng dường đều đặt nặng vào Tăng, với mục đích Tam Bảo tồn tại ở nhân gian.” (Bước đầu học Phật - Hòa thượng Thích Thanh Từ)

Cúng dường như thế nào là đúng pháp?

Chúng ta nếu là người Phật tử thì khi phát tâm cúng dường Tam Bảo mục đích duy nhất chỉ vì mong Tam Bảo thường còn ở thế gian để đưa chúng sanh thoát khỏi vô minh, sanh tử luân hồi. Vì Tam Bảo và tất cả chúng sanh mà làm việc bố thí cúng dường thì công đức không thể nào giới hạn được.

Chư Tăng Ni nhận được sự cúng dường chân chính của Phật tử thấy mình có trọng trách lớn lao sẽ cố gắng tiến tu để xứng đáng thọ nhận những sự cúng dường của Phật tử và nỗ lực tu hành để độ sanh.

Cúng dường Tam Bảo được lợi ích tùy tâm niệm người Phật tử. Nếu vì mình và thân thuộc mình mà cúng dường, phước đức cũng theo tâm lượng hẹp hòi ấy. Nếu vì Tam Bảo thường còn và lợi ích chúng sanh, phước đức sẽ theo tâm lượng rộng rãi thênh thang này. Người Phật tử chân thật thì bao giờ hay bất cứ việc gì cũng vì lợi ích chúng sanh. Đừng khi nào để lệch lạc mục tiêu tối thượng ấy. Chư Phật ra đời cũng vì chúng sanh, truyền bá Chánh pháp cũng vì chúng sanh, chúng ta đền ơn chư Phật cũng vì cứu độ chúng sanh. Đó là tâm niệm rộng lớn cao cả của người tu theo đạo Phật. Vì chúng sanh mà cúng dường Tam Bảo, quả thật người Phật tử sống đúng Chánh pháp, hành đúng Chánh pháp. Hành động đúng Chánh pháp thì công đức lượng đồng với Chánh pháp, nghĩa là kiếp kiếp đời đời không mất. Nếu dạy Phật tử làm phước tạo công đức, Tăng, Ni nên dạy đúng tinh thần này.” (Bước đầu học Phật - Hòa thượng Thích Thanh Từ)

Các cách cúng dường Tam bảo

Cúng dường Tam Bảo chính là cúng dường Phật, Pháp, Tăng.

Cúng dường Phật Bảo

Đức Phật đã nhập diệt đã hơn 2000 năm, nhưng chúng ta vẫn cúng dường Phật những vật thực, vật phẩm thanh tịnh, hương hoa để thể sự tôn kính, một lòng tri ân Đức Phật đã tìm ra con đường giải thoát, cứu độ chúng sanh. Khi cúng dường như vậy ta cũng cảm nhận rằng Đức Phật như vẫn còn tại thế từ bi dạy dỗ tất cả tu học:

  • Hương thơm
  • Đèn sáng
  • Hoa tươi
  • Trái cây
  • Nước trong
  • Thức ăn

Công đức thù thắng nhất là ngũ phần hương, công đức này thuộc xuất thế gian, bao gồm các công đức như sau:

Giới hương: tức là trong tâm mình không quấy, không ác, không tật đố, không tham sân, không cướp hại, đó là Giới hương.

Định hương: tức là đối với tất cả cảnh tướng ác hay thiện, tốt hay xấu mình đều không có loạn, đó là Định hương.

Tuệ hương: tức là nơi tâm mình không có ngăn ngại và thường dùng trí tuệ quán chiếu Tự tánh của mình, đó là về lý; về sự thì phải không làm ác, tu các điều lành mà đừng chấp lành, đồng thời kính bậc trên, thương kẻ dưới, cứu giúp kẻ cô bần, đó là Tuệ hương.

Giải thoát hương: tức là tâm mình không có chỗ phan duyên, nghĩa là không chạy theo cảnh cũng không nghĩ thiện, không nghĩ ác, được tự tại vô ngại, đó là Giải thoát hương.

Giải thoát tri kiến hương: tức là tâm mình đã không chạy theo cảnh bên ngoài rồi, lại cũng không chìm nơi không, kẹt nơi vắng lặng, mà phải học rộng hiểu nhiều, biết Bản tâm mình rõ ràng, biết lý Phật một cách thấu đáo, để rồi lăn lộn trong quần chúng tiếp dẫn họ mà không thấy có mình có người, đưa họ thẳng đến Bồ-đề, không có chướng ngại, đó là Giải thoát tri kiến hương.”

Hòa thượng Thích Thanh Từ

Nghi thức cúng dường trai tăng

Cúng dường Pháp Bảo

Pháp là những dạy từ kim khẩu Đức Phật nói ra. Do đó Giáo pháp của Đức Phật là toa thuốc trị liệu mọi nỗi khổ đau, phiền não, giúp chúng sanh vượt thoát khỏi sanh tử trầm luân. Giáo Pháp đó còn lưu trữ rất nhiều qua Tam Tạng Kinh Điển chính vì thế mà bổn phận của Phật tử cần phải học và nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật để hiểu rõ sự quý của giáo Pháp mà Đức Phật để lại.

Khi đã thấu rõ Phật tử nên đưa những lời Phật dạy đến với mọi người để họ hiểu, có lòng tin, có cơ hiểu tiếp cận Phật Pháp để tự giúp mình vượt qua khổ đau, chuyển hóa phiền não, tăng trưởng lòng từ bi, cùng giúp đỡ lẫn nhau để cùng tu hành giải thoát sanh tử.

Có thể làm nhiều cách truyền trao giáo Pháp:

  • Ấn tống Kinh sách, băng đĩa
  • Chia sẻ Phật Pháp trên các trang mạng xã hội
  • Thực hành những lời Phật dạy để lợi ích cho chính mình cũng là một minh chứng cho những người khác chưa rõ nhìn vào thực hành và thêm lòng tin vào giáo Pháp của Phật
  • Những Phật tử nắm vững Phật Pháp và có trình độ học thức, đã được nếm rõ pháp vị thì nên diễn giảng giáo pháp cho mọi người cùng hiểu, viết sách, lập luận cho người đọc thấm nhuần, phiên dịch các bộ Kinh từ ngoại ngữ sang tiếng Việt hoặc ngược lại...

Cúng dường Tăng Bảo

Trọng Phật, phải kính Tăng”. Tăng sĩ là những người tu hành đúng Chánh Pháp của Như Lai, sống đời trong sạch, cao thượng, giữ gìn giới luật, là vị đại diện cho Ðức Phật để truyền lại giáo pháp cho chúng ta, vì vậy chúng ta phải cung cấp và nuôi dưỡng chư Tăng.

Thời đức Phật còn tại thế, các Phật tử cúng dường cho đức Phật và chư Tăng bốn thứ (tứ sự) là y phục, thuốc thang, ngọa cụ và thức ăn.

Ngày nay thời đại 4.0, khoa học ngày càng tân tiến, Phật tử có thể cúng dường cho chư Tăng, Ni những phương tiện thích hợp tùy theo hoàn cảnh và điều kiện để hỗ trợ cho hành đạo được dễ dàng hơn,…

Công đức của việc cúng dường

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy có ba phần thuộc về người bố thí: “Một là trước khi bố thí, ý được vui lòng. Hai là trong khi bố thí, tâm được tịnh tín. Ba là sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ”. Do đó người bố thí, cúng dường phải vui vẻ, thành tâm cúng dường thì công đức mới trọn vẹn.

Phật tử phải luôn luôn ghi nhớ công ơn của Tam Bảo. Nhờ Tam Bảo ta biết được điều hay, lẽ phải, biết rõ thật sự sống của con người và muôn loài đều phải cưu mang, nương nhờ lẫn nhau.

Đức Phật là người đã tìm ra con đường giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi. Khi nhập Niết Bàn Ngài đã để lại giáo Pháp cho nhân thế, nhờ đó mà người người đều có cơ hội biết chân lý này, để mọi người cùng tu tập giải thoát khổ đau; Tăng là những người đã hy sinh cao cả, lưu giữ, xây dựng, truyền bá cho Phật Pháp được trường tồn, hưng thịnh. Do đó người Phật tử với trọng trách hộ trì Chánh Pháp phải phát tâm mạnh mẽ hộ pháp, bất cứ khi nào có duyên nên cúng dường Tam Bảo, để duy trì mạng mạch Phật Pháp. 

Đây cũng là phương tiện tập cho tất cả chúng ta xả ly tiền tài của cải, có như vậy mới mau thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Chúng ta từ khi sinh ra đến khi mất đi không mang theo được bất cứ điều gì, chỉ có thể mang theo Nghiệp và Phước. Chính vì thế bằng cách bố thí, cúng dường, người Phật tử và người có trí tuệ có thể giữ gìn và đem theo tất cả của cải mà mình làm ra theo một cách khác, gieo cái nhân để hưởng quả về sau.

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

 

0977023696
article