Giỏ hàng

Hiếu hạnh trong đạo Phật

Với người con Phật thì mỗi tháng 7 về là báo hiệu một mùa Vu Lan lại đến, là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, tri ân các bậc sinh thành, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc ta. Theo truyền thống từ xa xưa của mỗi gia đình người Việt thì ngày Vu Lan báo hiếu cũng là ngày xá tội vong nhân. Vào ngày này, con cháu sẽ làm mâm lễ cúng dâng lên ông bà tổ tiên, trước là thể hiện lòng thành kính, sau là mong muốn được phù hộ độ trì mạnh khỏe, bình an.

Đại Hiếu của Đức Phật

Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”. Trong đạo Phật hạnh hiếu luôn đứng đầu trong tất cả các hạnh, hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật. Cha mẹ là những bậc Bồ Tát đầu đời của mỗi người. Ta có mặt tại đây là đã mang biết bao ân tình, nhất là ơn sinh thành dưỡng dục - đây là ơn sâu nặng nhất. Hòa Thượng Tôn Sư từng dạy: “Đạo đức phát nguồn từ lòng hiếu thảo, người không hiếu thảo khó có đạo đức”. Do vậy nếu Cha Mẹ còn sống trên cõi đời này thì hãy xem Cha Mẹ chúng ta như Đức Phật còn ở đời. Cha Mẹ là những người đi trước và nhiều kinh nghiệm sống, họ đã dìu dắt nuôi nấng chúng ta từ khi sinh ra đến khi trưởng thành. Chính nhờ Cha Mẹ mà ta mới có hình hài để tu đạo, tu hành thoát khỏi sinh tử luân hồi, do đó ơn Cha Mẹ rất lớn.

Bởi vậy nên khi đức Phật tu hành chứng đạo thì việc đầu tiên Ngài làm là lên Cung Trời Đao Lợi để thăm đức Thánh Mẫu Maya. Khi sinh thái tử ra được bảy ngày thì hoàng hậu Maya mất và sinh lên cõi trời. Vậy nên sau khi thành đạo, Đức Phật mới lên cõi trời thuyết pháp cho mẹ. Được nghe Vi Diệu pháp và Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Thánh Mẫu Maya cùng thiên chúng đã thành tựu đạo quả giải thoát.

Cũng khi nghe tin vua Tịnh Phạn bệnh nặng, Đức Phật cùng với Tăng đoàn trở về hoàng cung. Ngài đã giảng pháp thoại nhiệm mầu về vô thường, vô ngã, giúp vua cha chứng đắc Thánh quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn sinh tử luân hồi và chính Ngài là người làm lễ trà tỳ cho cha. Vì vậy mà tất cả đệ tử của Đức Phật cũng học theo gương hạnh đại hiếu này.

Đức Phật báo hiếu phụ mẫu thân lễ trà tỳ

Hạnh Hiếu của các bậc tôn giả đệ tử Đức Phật

Trong hàng Thánh đệ tử của Phật, Ngài Xá-lợi-phất, Ngài Mục-kiền-liên đã trở thành biểu trưng cho tấm lòng hiếu đạo.

Hạnh hiếu vẹn tròn của Ngài Xá-lợi-phất

Sau khi nghe Đức Phật tuyên bố sẽ nhập Niết Bàn sau 3 tháng nữa, mọi người ai nấy đều buồn thảm, khóc lóc. Ngài Xá-lợi-phất nghĩ thầm các đệ tử thượng thủ của Đức Phật quá khứ đều nhập Niết Bàn nên nay nhất định sẽ nhập Niết Bàn trước Đức Phật. Do đó Ngài xin Đức Phật về quê nhà thăm mẹ già và định nhập Niết Bàn tại nơi phòng đã từng sinh dưỡng mình.

Mẹ Ngài theo đạo Bà la môn nên bà không thích Đức Phật, tuy vậy mỗi khi xa con bà lại mong nhớ trông đợi nhưng đến khi gặp thì lại khó chịu, uất ức. Bà thường thiết trai cúng dường mỗi lần nhớ con, cho nên ngài biết rằng ngoài mình ra chẳng có ai có thể độ mẹ thoát khỏi địa ngục cả.

Khi về nhà ngài muốn ở tại nơi phòng cũ của mình, nơi mà ngài sinh ra đời. Tuy lấy làm lạ nhưng bà vẫn phấn khởi dọn dẹp phòng sạch sẽ. Ngài nói rõ ý định về đây nhập Niết Bàn khiến ai nấy nghe đều kinh hãi, nhưng ngài trấn an mọi người vì ngay lúc này đây thân tâm của ngài rất an ổn, không sợ hãi. Khi ngài thiền định, chư thiên lần lượt đến đảnh lễ khiến xung quanh hào quang sáng chói, mẹ ngài đến chiêm ngưỡng nhìn mãi không rời. Xá-lợi-phất xuất định vì mẹ mà thuyết pháp chân thật, tin sâu vào Tam Bảo, tà kiến xua tan, không còn mê muội mà vào Niết Bàn. Ngay đó, ngài lặng lẽ nhập diệt.

Quả là "một sự viên tịch hiếu đạo lưỡng toàn”.

tôn giả Xá Lợi Phất thuyết pháp mẫu thân mẹ giác ngộ

Đại hiếu Mục-kiền-liên

Nhân duyên cho ngày lễ Vu Lan hằng năm ai cũng biết đó là câu chuyện Ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Tôn giả Mục-kiền-liên thường dùng thần thông du hành đến các cõi Phật, hay xuống địa ngục quan sát chúng sinh thọ quả báo. Khi ngài dùng thiên nhãn thông để quan sát các báo ứng của loài quỷ, mới hay mẹ mình đang đọa trong loài ngạ quỷ chịu nhiều đớn đau. Cơ thể giống như một que củi đang cháy, cuống họng thì nhỏ như cây kim, dạ dày sưng lên như cái trống. Nhìn thấy tình cảnh đó ngài đau xót thương mẹ mình vô hạn, liền dùng bình bát đựng đầy cơm dâng cho mẹ. Nhưng cơm vừa vào miệng tự nhiên hóa thành than lửa đỏ chẳng thể nào nuốt được.

Ngài buồn bã, bất lực liền quay về cầu cứu Đức Phật hầu mong cứu được mẹ thoát khỏi quả báo ngạ quỷ. Đức Phật nhân đó mà thuyết pháp Vu Lan Bồn, để cứu Thanh Đề không thể dùng lực của một người mà phải nương sức oai thần của thập phương tăng chúng mới giúp được mẹ ngài thoát khổ ngạ quỷ. Hằng năm đến rằm tháng 7 là ngày tự tứ của chư tăng, sẽ có rất nhiều thánh tăng sau ba tháng cấm túc yên tu đầy đủ giới hạnh thanh tịnh, đức độ rộng sâu, chứng đắc thánh quả. Ngày đó những người làm con nên vì cha mẹ hiện tại và bảy đời ở chốn nguy nan mà sửa soạn đồ ăn, thức uống, hương hoa,… để cúng dường chư tăng mười phương thì hàng quyến thuộc đã khuất nhất định sẽ ra khỏi ba đường khổ, liền được giải thoát. Còn cha mẹ hiện tiền thì được thêm lớn phước lành, mọi điều đều an ổn.

Tôn giả Mục-kiền-liên cảm kích trước lời dạy của đức Phật, tán thán công đức Tam Bảo nên khuyên bảo chúng sinh trên đời sau cần nương nơi Pháp Vu Lan Bồn mà “cúng Phật cập Tăng” để báo đáp ơn huệ sinh dưỡng của cha mẹ.

Tôn Giả Mục Kiền Liên thiết trai đàn tự tứ

Tinh thần Hiếu đạo qua hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ đề, Ngài đã vì thân mẫu là bà Maya lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp và cũng vì chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề, đặc biệt với những chúng sinh cang cường, khó khai hóa Ngài đã phó chúc cho Bồ Tát Địa Tạng cho đến khi đức Di Lặc thành Phật, ngài cần cứu giúp chúng sinh trong sáu đường đều đặng giải thoát.

Đức Phật đã tán thán Địa Tạng Vương Bồ Tát: “Địa Tạng, Địa Tạng thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, biện tài của ông không thể nghĩ bàn”. Bồ Tát Địa Tạng chứng được quả vị thập địa này từ lòng hiếu rồi phát nguyện rộng cứu khổ chúng sinh trong sáu đường xong mới chứng quả Bồ đề.

Bà La Môn Nữ cứu mẹ

Trong thời đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, Ngài là một Bà la lôn nữ một lòng kín tin Tam Bảo, nhưng bà mẹ người mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam Bảo. Dù nàng dùng nhiều phương tiện khuyên nhủ bà mẹ sinh chánh kiến nhưng bà chưa tin hẳn, chẳng bao lâu bà chết đọa vào địa ngục Vô Gián. Vì thương xót cho mẹ, thánh nữ làm các việc công đức để hồi hướng cho mẹ. Nhờ lòng hiếu thảo phát tâm tu hành và nương từ lực của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà thân mẫu được sinh lên cõi trời. Ngài phát thệ nguyện rộng lớn rằng: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai, những chúng sinh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó đều được giải thoát”.

Quang Mục cứu mẹ

Thời đức Liên Hoa Mục Như Lai, từ ngày mẹ mất, nàng làm việc phước thiện để cứu vớt thân mẫu, sắm sửa đồ ăn cúng dường một vị La Hán phước đức cứu độ chúng sinh và biết mẹ mình đọa vào địa ngục rất khổ sở. Nhờ phước đức họa tượng và oai lực của đức Liên Hoa Mục Như Lai bà mẹ thác sinh trở lại làm con của người đầy tớ gái trong nhà Quang Mục chịu kiếp hạ tiện, đến 13 tuổi mới được vãng sinh về cõi trời. Nàng Quang Mục vì thương mẹ mà đã phát nguyện rộng lớn như sau: “Từ nay nhẫn đến về sau trăm ngàn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các chúng sinh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ,… Những kẻ mắc tội báo như thế đều thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh giác”.

Tiền thân của Bồ Tát Địa Tạng vì lòng từ hiếu thảo mà cứu độ song thân thoát khỏi chốn địa ngục. Sau lại phát nguyện rộng lớn độ tất cả các hàng chúng sinh tội khổ sau rồi mới thành Phật. Hạnh hiếu trong đạo Phật rất quan trọng, thương yêu cha mẹ sau mới thương yêu chúng sinh, hiểu những nỗi khổ mà cha mẹ đang chịu đựng mới có thể hiểu nỗi khổ của chúng sinh. Từ đó mới phát đại nguyện cứu vớt chúng sinh khỏi khổ đau.

Địa Tạng Vương Bồ Tát Quang Mục Bà La Môn cứu mẹ

Chúng ta là hàng phật tử tu theo Đức Phật thì phải học theo hạnh của Phật, luôn luôn tu hành hướng về Tam Bảo, hướng về cha mẹ. Nếu cha mẹ còn hiện tiền thì luôn nhớ kính ngưỡng, phụng dưỡng cha mẹ bằng tất cả tấm lòng chân thành. Nếu cha mẹ đã khuất thì việc tang lễ phải thành kính, chu tất.

Người Phật tử có hiếu hạnh là một người trong cuộc sống bình thường trôi tròn bổn phận đối với gia đình. Đối với xã hội là một công dân tốt. Đối với đạo luôn gần gũi chư Tăng, chư Ni để học hỏi áp dụng giáo lý vào đời sống” - Hòa thượng Thích Nhật Quang.

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT
0977023696
article