Giỏ hàng

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan và Bài tụng lễ Vu Lan 2023

Tháng 7, tháng của mùa Vu Lan hiếu hạnh. Lễ Vu Lan không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” hướng cho mỗi người con Phật trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với tiên tổ, báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, để thức tỉnh những người con còn bôn ba nơi phương trời xa.

Ngày Vu Lan có ý nghĩa gì?

Vu Lan phiên âm từ tiếng Phạn Ullambana, người Trung Hoa dịch là giải đảo huyền. Giải là cởi mở, Đảo là lộn ngược, Huyền là treo. Nói trọn nghĩa chữ Vu Lan là giải cứu những người đã lỡ lầm thất đức tạo những tội lỗi nặng nề phải bị các hình phạt đớn đau như người bị treo ngược, đói khát thống khổ suốt ngày đêm không ngừng.

Nguồn gốc ngày Vu Lan báo hiếu

Ngài Ðại hiếu Mục Kiền Liên là một đệ tử của Đức Phật. Sau khi tu hành chứng được 6 phép thần thông, ngậm ngùi nhớ đến công ơn cha mẹ, Ngài tìm cách báo đáp. 

Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Vu Lan Bồn

Dùng đạo nhãn xem trong thế gian, Ngài nhận thấy mẹ mình sanh làm loài ngạ quỷ, thân hình tiều tụy, đói khát suốt năm không được ăn uống. 

Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Vu Lan Bồn1

Thương xót quá, Ngài liền đem bát cơm đang ăn dâng mẹ. Ngài vận thần thông, bưng bát cơm đi đến chỗ mẹ ở. 

Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Vu Lan Bồn2

Bà mẹ đói khát nên khi được cơm, lòng tham nổi lên, sợ người cướp giật, lấy tay trái che bát cơm, tay phải bốc ăn. Bởi lòng tham lam độc ác trong tiền kiếp trước nổi bừng lên, nên cơm mới đưa vào miệng thì hóa thành ra lửa. Khốn khổ vô tận vì bà không những không ăn được mà còn chịu thêm nhiều đau đớn.

Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Vu Lan Bồn3

Ngài Mục Kiền Liên thấy thế, hết sức đau buồn kêu khóc thảm thiết. Ngài liền trở về bạch Phật, thuật lại như trên và cầu Phật chỉ dạy cho phương pháp cứu độ thân mẫu. 

Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Vu Lan Bồn4

Sau khi nghe Ngài Mục Kiền Liên thỉnh cầu phương pháp báo hiếu, Phật dạy rằng:

"Nầy Mục Kiền Liên! Mẹ của ông do lòng tham lam, độc ác đã tạo ra tội lỗi nặng nề trải qua nhiều kiếp, nay sanh trong ác đạo, làm loài ngạ quỷ nên không thể một mình ông cứu độ được. Mặc dù lòng hiếu thảo của ông vô cùng lớn lao, cũng không sao chuyển được hoàn cảnh, chẳng khác gì chiếc thuyền con, không thể chở được tảng đá lớn. Vậy ông phải nhờ oai thần của chúng Tăng trong mười phương, đức lớn như biển, mới cứu độ mẹ ông được giải thoát. Ta nay sẽ vì ông, chỉ dạy phương pháp cứu rỗi, khiến cho cha mẹ ông xa lìa được các điều tội lỗi.

Nầy Mục Kiền Liên ! Ngày rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ của chư Tăng trong mười phương, sau ba tháng an cư kiết hạ, sách tấn tu hành. Ngày ấy cũng là ngày hoan hỷ của chư Phật, vì thấy chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, đã tiến bộ rất nhiều trên đường tu học, các nghiệp được thanh tịnh, ba món vô lậu học được tăng trưởng, công đức thêm nhiều và đến ngày viên mãn. Vậy ông nên nhân ngày ấy làm lễ Vu Lan Bồn để báo hiếu cho mẹ ông.

Ông hãy sắm đủ các món trai diên trăm mùi, năm thứ trái, cùng hương dầu đèn nến, giường chõng, chiếu chăn, mùng mền, quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay; tóm lại là đủ bốn món cúng dường quý báu trong đời. Rồi ông phải thân hành đi rước các vị Ðại Ðức Tăng trong mười phương, hoặc những vị thiền định trong núi rừng, chứng được bốn quả Thánh, hoặc có vị kinh hành dưới cội cây được 6 phép thần thông tự tại hàng Thanh Văn, Duyên Giác, các vị Thánh Tăng, hoặc các vị thập địa Bồ Tát thị hiện làm thầy Tỳ kheo v.v... Ông phải thành tâm kính lễ trai Tăng cúng dường và thỉnh cầu chư Tăng chú nguyện cho vong linh mẹ ông được thoát khổ. Nhờ công đức chí thành chú nguyện, vong linh mẹ ông đã được siêu thoát. Cũng như tảng đá dù nặng trăm cân, song có nhiều người khiêng, thì dời đi đâu cũng được".

Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Vu Lan Bồn5

Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng 7 làm lễ Vu Lan, sắm đủ các vật liệu, rước chư Tăng trong mười phương thành tâm kính lễ trai Tăng cúng dường, nên vong mẫu của Ngài được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, sanh về cảnh giới lành.

Sau khi thấy thân mẫu được thoát khổ, Ngài Mục Kiền Liên hết sức vui mừng, liền đến trước Phật chắp tay bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn! Thân mẫu của con được nhờ công đức Tam Bảo và oai thần của chư Tăng, nên được thoát ly kiếp ngạ quỷ khổ não. Vậy về đời sau, trong hàng phật tử, nếu có người muốn làm lễ Vu Lan Bồn nầy, để cứu độ cha mẹ hiện tại cũng như cha mẹ nhiều kiếp trước, chẳng biết có được không?

Phật dạy rằng:

- Nầy Mục Kiền Liên! Ðời sau, nếu có được các thầy Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, vua, Thái Tử, các quan tể tướng, những hàng tam công cho đến tứ dân, vì lòng hiếu thảo muốn đền đáp công ơn cha mẹ hiện tại hay quá khứ, thì cứ ngày rằm tháng 7 là ngày "Phật hoan hỷ", làm lễ Vu Lan nầy, để cúng dường trai Tăng. Nhờ công đức của chư Tăng chú nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng long phước thọ, khỏi những điều tai hoạn, khổ não. Còn cha mẹ bảy đời trước thì khỏi bị khổ ngạ quỷ, được sanh trong cõi nhơn thiên, hưởng phước vui vẻ không cùng".

Khi đó Ngài Mục Kiền Liên và bốn chúng đệ tử hoan hỷ vâng làm. Và từ đó về sau, mỗi năm cứ đến ngày Rằm tháng 7, các hàng phật tử chí hiếu, đều làm lễ Vu Lan để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Vu Lan Bồn6

Bài văn tụng lễ Vu Lan

Vu Lan lại về với người con Phật, những người con thảo cháu hiền nghĩ đến ân sâu nghĩa nặng của mẹ cha thì nỗi nhớ niềm thương trong mùa Vu Lan lại càng thắm thiết hơn bao giờ. Xuất phát từ tinh thần đó, chúng tôi xin chia sẻ bài văn Tụng lễ Vu Lan theo nghi thức thiền môn được các quý Thầy trong Thiền phái Trúc Lâm biên soạn để tụng đọc trong mùa Vu Lan.

NGUYỆN HƯƠNG

(Quỳ tụng)

Trầm thủy, rừng Thiền hương sực nức.

Chiên đàn vườn tuệ đã vun trồng.

Ðao Giới vót thành hình non thẳm.

Nguyện đốt lò tâm mãi cúng dâng.

Nam-mô Bồ-tát Hương Cúng Dường. (3 lần, đứng lên)

TÁN PHẬT

Ðại từ, đại bi thương chúng sanh.

Ðại hỷ, đại xả, cứu hàm thức.

Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.

Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.

- Chí tâm đảnh lễ, tất cả chư Phật ba đời tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ, tất cả Chánh pháp ba đời tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ, tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy)

TÁN PHÁP

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn.

Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.

Nay con nghe thấy vâng gìn giữ.

Nguyện hiểu nghĩa chơn Ðức Thế Tôn.

Quy kính Phật Bồ-tát trên hội Bát Nhã. (3 lần)

TÂM KINH TRÍ TUỆ CỨU CÁNH RỘNG LỚN

Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua hết thảy khổ ách.

Này Xá-lợi-phất! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.

Này Xá-lợi-phất! Tướng không của các pháp, không sanh, không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt. Cho nên trong tướng không không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; không có vô minh cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết cũng không có hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí tuệ cũng không có chứng đắc.

Vì không có chỗ được, nên Bồ-tát y theo Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát-nhã Ba-la-mật-đa được đạo quả Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nên biết, Bát-nhã Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ, chân thật không dối. Vì vậy nói chú Bát-nhã ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng: "Yết-đế, yết-đế, ba-la yết- đế, ba-la tăng yết-đế, bồ-đề tát-bà-ha". (3 lần)

LỄ PHẬT TỔ

  • Chí tâm đảnh lễ, Giáo chủ cõi Ta Bà Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (3 lần, mỗi lần 1 lễ)
  • Chí tâm đảnh lễ, Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi
  • Chí tâm đảnh lễ, Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền
  • Chí tâm đảnh lễ, Tôn giả Đại Hiếu Mục Kiền Liên (7 lần, mỗi lần 1 lễ)
  • Chí tâm đảnh lễ, Chư tôn Bồ Tát hộ trì Chánh pháp
  • Chí tâm đảnh lễ, Phật Bồ Tát hiện tại đạo tràng (1 lễ)

Hôm nay chúng tăng Tự tứ

Ngày hội Vu Lan.

Toàn thể chúng con

Tăng, Ni, Phật tử,

Hồi tâm tưởng nhớ,

Tôn giả Mục Liên.

Tu hành đã chứng,

Lục thông La - hán,

Vẫn còn thương mẹ,

Chẳng biết nơi nao?

Sáu đạo luân hồi,

Quyết tâm tìm kiếm,

Thiên nhãn soi cùng,

Đến nơi Ngạ quỷ,

Mẹ ta đây rồi!

Lang thang đói khổ,

Ruột đau như cắt,

Khôn thể ngồi yên.

Liền đi khất thực,

Được bát cơm đầy,

Dùng thần túc thông,

Đem cơm dâng mẹ,

Nhìn thấy bát cơm,

Mẹ mừng khôn xiết,

Tay vừa bốc ăn,

Cơm liền hóa lửa!

Đớn đau khó tả,

Rơi lệ dầm dề,

Vội lui trở về,

Cầu Thế Tôn cứu,

Thế Tôn chỉ dạy,

Lập hội Vu lan,

Thỉnh mười phương Tăng

Đồng tâm cầu nguyện

Lễ hội vừa xong,

Cõi trời mẹ đến,

Mục Liên hớn hở,

Vui vẻ khôn cùng,

Lại hỏi Phật thêm,

Con hiếu sau này,

Cha mẹ quá cố,

Lập hội được chăng?

Phật liền dạy rằng,

Thiết lễ Vu Lan,

Cứu độ lục thân,

Bảy đời cha mẹ.

Nhớ gương Mục Liên,

Người con hiếu thảo,

Tu chứng giải thoát,

Vẫn quí mẹ cha.

Huống nữa chúng con,

Còn là phàm tục,

Công ơn cha mẹ,

Trời bể khôn bì.

Bổn phận làm con,

Làm sao quên được,

Dâng hiến trọn đời,

Chưa tròn chữ hiếu.

Thân con có ra,

Từ nơi cha mẹ,

Dù nát thân này,

Chẳng đủ đền ân,

Con nào dám nghĩ,

Bỏ mẹ quên cha,

Có ai ruột rà,

Bằng cha với mẹ.

Sinh thành khổ nhọc,

Nuôi dưỡng tâng tiu,

Miễn con khỏe vui,

Là cha mẹ thích,

Con vừa chớm bệnh,

Cha mẹ buồn rầu,

Chạy ngược chạy xuôi,

Rước thầy tìm thuốc.

Chỉ nghĩ đến con,

Mà quên khổ nhọc.

Con là hòn ngọc,

Của quí mẹ cha,

Vắng mặt con thơ,

Mẹ cha sầu thảm,

Dù con khôn lớn,

Cha mẹ nào quên,

Thương mãi thương hoài

Đến ngày nhắm mắt.

Hy sinh cả đời,

Cũng vì con trẻ,

Muốn được con vui,

Quên mình tạo tội,

Đời nào đã khổ,

Kiếp khác nào an,

Càng nghĩ đến người,

Lòng con se thắt!

Nguyện tu tinh tấn,

Làm những điều lành,

Dâng công đức này,

Đền ân cha mẹ,

Xin trên Tam Bảo,

Chứng giám lòng con,

Bao nhiêu phước lành,

Nguyện xin hồi hướng,

Cho đấng hai thân,

Còn sống an khang,

Phát tâm Bồ - đề,

Tu thành chánh giác;

Nếu đã quá cố,

Siêu thoát trầm luân,

Sinh trong đời lành,

Tu theo chánh pháp

Hạnh duyên đầy đủ,

Phật đạo chóng thành

CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN

Một nguyện nguồn linh thường trong lặng.

Hai nguyện Tạng thức dứt lăng xăng.

Ba nguyện khối nghi đều tan nát.

Bốn nguyện trăng Ðịnh mãi tròn đầy.

Năm nguyện pháp trần không khởi diệt.

Sáu nguyện lưới ái lìa buộc ràng.

Bảy nguyện suy nghĩ hành Thập Ðịa.

Tám nguyện nghe suốt bỏ Tam thiên.

Chín nguyện tâm vượn thôi nhảy nhót.

Mười nguyện ý ngựa dứt cương yên.

Mười một nguyện mở lòng nghe Phật dạy.

Mười hai nguyện mến thích Tổ Sư Thiền.

HỒI HƯỚNG

Chúng con hồi tâm về Thánh Chúng.

Ân cần đầu cúi lễ Từ Tôn.

Thềm thang Thập Ðịa nguyện sớm lên.

Chân tâm Bồ-đề không thối chuyển.

PHỤC NGUYỆN

Cửa Thiền thường nghiêm tịnh,

Toàn chúng mãi thuận hòa,

Phật tuệ chiếu sáng ngời.

Mưa pháp hằng nhuần gội.

Phật tử lòng tin sâu,

Ruộng phước càng tăng trưởng.

Chúng sanh sống an lạc,

Vui hưởng cảnh thái bình.

Nơi nơi dứt đao binh,

Mỗi mỗi đều thành Phật.

Nam-mô Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni.

BA TỰ QUY Y

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sanh, hiểu thấu đại đạo, phát tâm vô lượng (1 lạy)

Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sanh, thâm nhập tam tạng, trí tuệ như biển.(1 lạy)

Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sanh, quản lý đại chúng, tất cả không ngại. (1 lạy)

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article