Giỏ hàng

Cảm niệm ngày Vu Lan

Dòng thời gian cứ chảy trôi như lẽ tự nhiên vốn có của nó, sau những tháng hạ với ánh nắng gay gắt, chói chang giờ đây vạn vật đang được đắm chìm trong tiết thu mát mẻ, êm dịu. Thoảng đâu đây hương hoa đại thơm dịu nhẹ, phả vào trong gió se, quyện với hơi sương giăng đầy nơi phố vắng. Phải chăng khí trời cũng đang lắng mình lại để nhẹ nhàng gợi nhắc mỗi người nhớ tới ngày lễ Vu Lan - mùa hiếu hạnh đong đầy cảm xúc.

“Chiếc bóng thời gian nào chảy ngược
Dòng đời gõ nhịp chẳng ngừng trôi
Bông hồng dưỡng dục lòng Cha Mẹ
Hoa thắm công ơn tựa biển trời
Tháng bảy Vu Lan mùa báo hiếu
Ai ơi kẻo muộn – lá vàng rơi”

Trước khi trở thành Phật, một bậc giác ngộ toàn giác, đức Phật cũng giống như chúng ta, là một người con được sinh ra và nuôi dưỡng trong tình yêu thương vô hạn của cha mẹ. Từ khi chào đời, Thái tử Tất Đạt Đa đã được đón nhận muôn vàn tình thương yêu của muôn dân và niềm hỷ lạc, hân hoan của vạn vật. Tình thương ấy nằm trong ánh mắt của vua cha Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da dành cho Ngài, tình thương trong những lời chỉ dạy của đạo sĩ thời danh Alàràma Kàlàma và danh sư Uất Đầu Lam Phất (Uddaka Ràmaputta) khi Ngài vừa rời cung điện lên đường tìm đạo, tình thương trong sự sẻ chia và cúng dường của chúng sinh.

Trên hành trình tìm kiếm con đường giác ngộ giải thoát, thái tử không chỉ thấu suốt mọi nỗi khổ đau của chúng sinh mà hơn hết, Ngài còn nhận ra nơi cõi ta bà với muôn trùng thương đau, trong mỗi người vẫn luôn có một viên ngọc quý ẩn sâu đó chính là Phật tánh, là Chân tâm. Tìm lại được viên ngọc quý ấy đó cũng chính là cách báo hiếu ý nghĩa nhất, không chỉ cho cha mẹ hiện tiền mà cho tất cả cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp; vì như lời Đức Phật nói: "Tất cả chúng sinh đều là cha mẹ ta".

Hạnh phúc thay, khi trên con đường tìm cầu ánh sáng giải thoát, Ngài đã nhận được vô vàn tình yêu thương đầy chân thành của biết bao con người. Để rồi cuối cùng, hơn 2500 năm trước, một vị tu sĩ bằng nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ tương duyên của muôn loài, đã đạt được đến quả vị tối thượng Chánh đẳng Chánh giác, trở thành Phật - một bậc giác ngộ toàn giác. Thấu cảm được tình thương ấy, đức Phật đã răn dạy mỗi chúng đệ tử phải khắc ghi ơn sâu dưỡng dục của cha mẹ - những vị Phật sống đang hiện tiền và báo đền công dưỡng nuôi của chúng sinh vạn loại.

Đức Phật - bậc giác ngộ, bậc Thầy của tất cả cõi trời và người, bậc đại trí huệ được khắp pháp giới mười phương tôn kính, sau khi thành đạo đã thể hiện lòng từ hiếu của mình với phụ vương, mẫu hậu, kế mẫu vừa theo thường pháp vừa đúng Chánh pháp.

Thế Tôn đã đi bộ, vượt ngàn dặm đường hiểm trở để trở về thăm phụ hoàng khi người sắp lâm chung. Ngài đến bên cạnh vua cha và tự khiêng một góc linh sàng của người đến tận nơi hỏa táng. Với kế mẫu, Ngài cũng luôn tỏ lòng từ hiếu, đúng đạo một người con. 

vua cha Tịnh Phạn Vu Lan hiếu hạnh

Bên cạnh việc thể hiện chữ hiếu theo thường pháp, lòng từ hiếu của đức Phật còn nhằm mục đích hướng tất cả chúng sinh đến việc hiểu và hành Chánh pháp để được giải thoát. Trong những lần gặp gỡ phụ thân và kế mẫu, Ngài đã thuyết pháp để độ cho cả hai chứng đắc quả A La Hán. Với mẫu hậu, Ngài đã ngự trên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ (Trong “Phật thăng Đao Lợi vị mẫu thuyết pháp kinh”).

Chữ Hiếu được Ngài thực hiện với tất cả mọi người mẹ, người cha đang cư ngụ tại thế gian, trên thiên giới hay đang thọ nghiệp nơi các cõi dữ. Ngài đã phương tiện thuyết pháp, đưa họ từ nơi tối tăm đến nơi ánh sáng, từ chốn khổ đau đến nơi bình an, hỷ lạc. Từ những điều bản thân đức Phật đã thực chứng, ngày Vu Lan có ý nghĩa như vậy.

“Rằm tháng Bảy, ngày Vu Lan báo hiếu
Mục Kiền Liên cứu Mẹ thoát đọa đày
Trống chiêng vang, rộn rã khắp đó đây
Mùa báo hiếu đang về trong “Đại Lễ”

Tứ trọng ân – bốn ân lớn mà mỗi người cần khắc ghi trong đời:

“Ân Cha nghĩa Mẹ khó quên
Công Thầy giáo dưỡng đáp đền sao cho
Ơn Phật ơn Tổ một lòng
Đàn na tín thí bốn công tròn đầy”.

Ý nghĩa Vu Lan là đỉnh cao của chân thiện mỹ, xây dựng đời sống tri thức cộng đồng, phát triển nhân sinh xã hội qua bốn phương diện gọi là Tứ trọng ân: Ân Cha Mẹ, Ân Tam bảo Sư trưởng, Ân Tổ quốc xã hội, Ân chúng sinh vạn loại. Báo đáp “Tứ trọng ân” là bốn ân lớn nhất, trọng đại nhất của đời người mà bất cứ ai cũng nên ghi nhớ.

Đại lễ Vu Lan từ lâu đã trở thành nét văn hóa đạo đức hiếu hạnh của đạo Phật, một trong “Tứ trọng ân” mà người Phật tử ai cũng nhớ tới để đáp đền. Vì vậy, mọi người muốn báo ân cha mẹ nên cúng dường trai tăng, ăn chay, làm việc thiện, tích đức để hồi hướng cho cha mẹ tăng thêm phước lành. Đất nước nhớ ơn những người đã vì Tổ quốc hi sinh nên thiết lễ Vu Lan để cầu siêu cho chư anh linh được siêu sinh trong đường lành… Vu Lan là một pháp hội thù thắng và có tính phổ cập nhất trong Phật giáo, có ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa sống, đạo đức làm người trong truyền thống văn hóa dân tộc.

Biết bao nhiêu năm qua, từ thời đại này đến thời đại khác, không phân biệt vùng miền sai khác, Vu Lan với những nét đặc trưng của mình vẫn luôn được người đời nhớ tưởng. Bởi dù thế nào đi nữa thì mỗi mỗi người sinh ra trên cõi đời này hai vai đều mang nặng công ơn mẹ cha nên trong mỗi người cho đều mang tâm hiếu hạnh bao hàm cùng lòng biết ơn, tâm mong muốn báo ơn. Chính vì thế nên nguồn sống của Vu Lan mới vững chãi đến vậy.

Theo dòng lịch sử đất nước thịnh suy, suy thịnh, Phật giáo cũng theo vận nước bao lần hưng phế nhưng đại lễ Vu Lan Bồn báo hiếu thì chưa có lúc nào bị lãng quên trong tâm thức của người dân Việt. Tâm hiếu hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả nói riêng, của người dân Việt Nam và các dân tộc trên toàn thế giới nói chung chưa lúc nào vơi cạn. Đại lễ Vu Lan hiếu hạnh vẫn luôn trường tồn cùng năm tháng, trở thành ngày hội của tình thương, của tinh thần tri ân và báo ân, đầy đủ hạnh lành của chư Phật và đạo đức sống muôn đời của loài người.

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article