Giỏ hàng

Hiểu đúng về ngày Thần Tài

Ngày vía Thần Tài - mùng 10 tháng Giêng được xem là ngày lễ quan trọng với các gia đình có người làm công việc kinh doanh, buôn bán.

PGS. TS. Đinh Hồng Hải (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Tín ngưỡng thờ Thần Tài - Thổ Địa của người Hoa ở miền Nam sau giai đoạn Đổi mới - 1986 mới phổ biến ở miền Bắc. Hiện tượng ngày vía Thần Tài nở rộ ở miền Bắc như chúng ta thấy hiện nay có thể xuất phát từ quá trình phát triển bùng nổ của nền kinh tế thị trường với các hoạt động “kinh doanh tâm linh” trong một “thị trường tôn giáo” sôi động".

Trong ngày vía Thần Tài, người ta thường đổ xô đi mua vàng để cầu may. Nhiều người tin rằng việc này giúp đem lại may mắn, tài lộc trong năm, làm ăn buôn bán thuận lợi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa của ngày này.

Ngày vía Thần Tài là ngày nào? Làm thế nào để được Thần Tài gia hộ?

Người kinh doanh thường thợ tượng Thần Tài - Ông Địa để cầu tài lộc, phước báu (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Sự tích Thần Tài

Ở Trung Quốc, thời cổ dân gian thờ cúng thần tài Đào Chu Công. Đào Chu Công tên thật là Phạm Lãi. Ông là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Ông xuất thân là một trung thần thông tỏ đạo lý, có công phò tá đất nước từ bên bờ vực diệt vong trở nên hưng thịnh. Ông đã giúp Câu Tiễn đánh bại Ngô vương Phù Sai, lấy lại giang sơn. Ông là đệ nhất công thần, sống với Câu Tiễn nhiều năm nên biết rõ tính cách của Câu Tiễn. Câu Tiễn là một vị vua có thể chịu chung hoạn nạn, nhưng không thể chung hưởng phú quý. Do đó, sau khi khôi phục lại đất nước, vì không muốn bị cuốn vào việc ganh đua chốn quan trường, ông bỏ quan, thay đổi tên họ rồi mai danh ẩn tích.

Tương truyền, về với dân gian Phạm Lãi mưu sinh bằng nghề buôn bán và đổi tên thành Đào Chu Công. Vì ông thông minh nên qua vài năm đã trở nên giàu có, phát tài. Của cải đầy nhà phần lớn được ông đem bố thí cho người nghèo, chỉ giữ lại chút vốn để tiếp tục làm ăn. Phát tài mà không hưởng, cứu giúp người nghèo trong xã hội, chia sớt nỗi khổ cho người trong cơn hoạn nạn. Đó là làm giàu chân chính. Nhờ tấm lòng rộng lượng, phúc đức của ông mà người đời tôn thờ ông là Thần Tài.

Hiểu đúng về ngày vía Thần Tài

Sách xưa có ghi: “Thông minh chánh trực mới làm Thần”. Bởi vậy, dù con người có đem bao nhiêu vàng bạc châu báu dâng cúng để cầu mong Ngài ban cho sự giàu sang, phát tài cũng chỉ vô ích mà thôi.

Tài tụ phải tán, tán rồi lại tụ, tụ rồi lại tán” Nghĩa là: Tiền tài phải lưu thông mới sống, như nước phải chảy mới không hư. Chính vì thế khi có tiền, chúng ta nên bố thí, làm việc thiện (gọi là tán). Nhờ bố thí, làm việc thiện, chúng ta được phước thì khi làm ăn buôn bán sẽ thuận lợi, có tiền lại (gọi là tụ). Điều này hoàn toàn đúng theo triết lý Nhân Quả trong nhà Phật. Càng gieo nhân bố thí với tâm vô lượng, ba la mật thì quả phước lành càng nhiều. Cuộc sống đủ đầy, an lành sẽ tự nhiên tới. Mọi sự đều hanh thông, thuận buồm xuôi gió, hóa hung thành cát. Ông bà xưa đã dạy: “Gieo nhân nào gặt quả nấy”. Nhân quả xoay vần không sai khác.

Như vậy, mua vàng vào ngày Thần Tài để lấy chút may mắn, gọi là "khơi thông dòng của cải", cầu may cho công việc làm ăn, mong giàu có chỉ là quan niệm của người thế gian. 

Mặc dù “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài là điểm tựa tâm linh giúp người dân có động lực để làm ăn. Nhưng cũng không vì thế mà sùng tín kéo nhau ào ào đi mua vàng vào ngày này, tránh bị lừa đảo và hụt hẫng do “bong bóng" giá vàng thị trường lên xuống thất thường.

Ý nghĩa chân thật của ngày vía Thần Tài hay việc thờ tượng của Ngài chính nhắc nhở mỗi người nên học theo hạnh của Ngài. Đó là mở rộng tâm lượng, cúng dường Tam bảo, bố thí cứu đời giúp người, giúp chúng sanh lìa khổ được vui. Bên cạnh đó nếu luôn giữ gìn ngũ giới, tu thập thiện, thực hành tam pháp thí, đền đáp Tứ Trọng Ân thì chúng ta sẽ luôn nhận được sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên và các bậc Thiện Thần.

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article