Lời giáo huấn mùa an cư kiết hạ của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Trong đạo mỗi năm đều có ba tháng an cư dành cho Tăng Ni, kể từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Lý ra ngày an cư tôi có mặt để làm lễ cho quý vị, nhưng vì tôi không có mặt ngay ngày đó, nên hôm nay Trụ trì Thường Chiếu cũng như tất cả Tăng Ni thỉnh tôi nhắc nhở việc tu hành cho quý vị nhân mùa an cư này.
Mùa an cư năm nay Tăng Ni rất đông đảo. Quý vị ở nội viện cũng như ngoại viện Thiền viện Thường Chiếu đều ứng dụng đúng như lời Phật dạy tổ chức ba tháng kiết hạ an cư.
Trước hết, tôi nói ý nghĩa an cư kiết hạ, sau sẽ nhắc thêm những điều cần thiết. Ai cũng biết tháng tư là đầu mùa mưa ở Việt Nam, ở Ấn Độ tháng này mưa nhiều. Hồi xưa thời đức Phật còn tại thế, bình thường chư Tăng Ni đi giáo hóa nơi này nơi nọ, ít ở một chỗ cùng nương nhờ chư Thượng tọa, Đại đức có giới hạnh cao thâm nhắc nhở chỉ dạy tu hành. Đến mùa mưa nước nổi các loài trùng kiến bò ra đường rất nhiều. Chư Tăng, chư Ni đi nay, đi kia sẽ giẫm đạp chúng. Đức Phật vì lòng từ bi chẳng những thương người mà còn thương tất cả các loài trùng kiến nhỏ bé nữa, nên không đành giẫm đạp lên chúng trong mùa nước nổi. Vì vậy, Phật chế ra ba tháng an cư ở yên một chỗ để tránh sát hại côn trùng.
Như vậy, ba tháng an cư là để cho Tăng Ni không giẫm đạp các loài trùng kiến phạm tội sát sanh, nói lên lòng từ bi vô lượng của Đức Phật. Kế đến, nhân mùa an cư, Tăng Ni tụ hội lại một nơi, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu hành đi trước, chỉ dạy lại cho người sau. Do đó, trong đại chúng ai cũng có đủ duyên tu tiến, không trở ngại, không lùi bước.
Tóm lại, mùa an cư có hai ý nghĩa: Thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho Tăng Ni. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư Tăng, chư Ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt. Do đó ngày xưa có những vị Tỳ-kheo qua ba tháng an cư chứng một quả vị. Nếu tu gần tiến lên một quả vị, nhưng tới mãn ngày an cư, các ngài xin Phật cho ở lại tu thêm để đạt được đạo quả như Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, v.v... Như vậy, mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được. Đó là điểm chính yếu mà tất cả Tăng Ni ngày nay phải nhớ.
Mùa an cư có hai ý nghĩa: Thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho Tăng Ni
Hiện giờ đất nước chúng ta đường sá rộng lớn, xe cộ đi lại không phải giẫm đạp trùng kiến như ngày xưa, nhưng thể theo lời đức Phật dạy chúng ta cũng kiết hạ an cư. Thời này mình không thể hiện lòng từ bi như thời đức Phật, chỉ có cùng nhau chung ở một điểm, một khu vực để rồi cố gắng tinh tấn tu hành. Nương nhờ các vị lớn tu trước, hiểu đạo hơn, hướng dẫn chỉ dạy chúng ta cố gắng tu cho có kết quả tốt. Như vậy, trọng tâm an cư ngày nay đặt vấn đề tu học nhiều hơn vấn đề sợ trùng kiến chết. Cho nên ba tháng an cư rất quý báu.
Một năm mười hai tháng chúng ta bận rộn nhiều vấn đề, như giao tiếp Phật tử, hoặc vì những nhân duyên khác mà quý vị đi đây đi kia, không ở một chỗ nỗ lực tu. Đến mùa an cư mọi việc đều gác qua, dồn hết tâm lực cho việc tu học thôi, mong rằng tất cả quý vị phải cố gắng đem hết tâm lực mình tu và học cho được kết quả tốt.
Tuy ba tháng không dài nhưng với ý chí mãnh liệt, với nhiệt tình không bờ bến, chúng ta cũng có thể thực hiện được phần nào kết quả trên đường tu. Đã là tu sĩ Phật giáo, hoặc Tăng, hoặc Ni, không thể nào học theo những việc của người thế tục. Chúng ta không phải là nhà kinh tế, nhà kiến thiết, nhà ngoại giao, hay học giả… mà là hành giả. Tại sao tôi nói như vậy? Vì trên đường tu, khi nói tới nỗ lực, tới sự cố gắng tu hành là muốn nói đến việc giải thoát sinh tử của mình. Chúng ta tu là để giác ngộ được tất cả lẽ thật của con người và của muôn pháp. Do đó, ta đặt nặng việc tu cho có kết quả.
Người tu không thể có khả năng giỏi làm ra tiền bạc, mà dồn tâm lực vào việc tu hành. Cho nên, thời gian của chúng ta không thể dồn vào các chuyện khác. Người tu sống chân thật, ôn hòa, không phải là người giỏi giao thiệp. Người giỏi giao thiệp với thế gian thấy như được nhiều lợi lộc, nhưng đó là tư cách của một nhà ngoại giao, không phải của người tu.
Tăng Ni phải làm sao trong đời mình giác ngộ được chân lý, giải thoát được sinh tử, chớ không phải làm cho được lòng mọi người. Nếu người tu cứ chiều chuộng để mọi người được vui, được vừa lòng, đó là vô tình chúng ta trở thành một nhà ngoại giao, không phải là một nhà tu. Chúng ta học đạo để hiểu, hiểu để tu, chớ không phải là học giả được cấp bằng cao, chức phận này chức phận nọ. Nếu vì cấp bằng, vì chức phận mà học, đó là học giả chớ không phải nhà tu.
Lời Phật dạy rất đúng đắn, đó là chân lý, mà có khi người học đạo còn cạn hẹp nên không hiểu. Vì vậy, phải được những bậc đi trước, những bậc thầy hướng dẫn chỉ dạy để hiểu, hiểu rồi ứng dụng tu, chớ không chạy theo cấp bằng học vị, lấy làm thỏa mãn. Điều này hết sức quan trọng. Như vậy, một nhà tu phải tu như thế nào, phải làm những gì, hôm nay tôi sẽ nhắc cho tất cả Tăng Ni nhớ.
Chúng ta tu cần nhất và đơn giản nhất là phải đủ hai mặt, từ bi và trí tuệ. Từ bi nên thương tất cả chúng sinh, thương tất cả mọi người, mọi loài. Đem tình thương phân bủa, giúp đỡ, che chở cho chúng sinh. Lòng từ bi chưa đủ mà phải có trí tuệ sáng suốt, thấy rõ chân lý, đạt được lẽ thực, để đem chân lý đó chỉ bảo cho mọi người cùng thấy cùng ngộ như mình. Bởi vậy, trí tuệ và từ bi không tách rời nhau.
Người thường cứ nghĩ từ bi trước rồi sau mới có trí tuệ, nhưng thực sự trí tuệ phải có trước rồi mới đến từ bi. Bởi vì, thấy được lẽ thực, biết được chân lý khiến cho chúng ta thoát khỏi những khổ đau do vô minh mê lầm. Khi chúng ta thấy được lẽ thực rồi, nhìn lại huynh đệ, bạn bè vẫn còn ở trong u tối, mình không đành lòng để họ phải khổ, nên đem hết những điều thấy biết của mình nhắc nhở bạn bè, thân quyến, tất cả mọi người cùng thấy, cùng hiểu để họ bớt khổ. Đó là lòng từ bi.
Trí tuệ và từ bi là hai điều then chốt của người tu hành. Cho nên, khi nói tới quy y Phật là nói quy y với bậc Lưỡng túc tôn. Lưỡng túc là đủ hai việc, phước túc và tuệ túc. Phước đầy đủ, tuệ đầy đủ, đó là Phật. Chúng ta luôn luôn cung kính, tôn trọng đức Phật vì Ngài đầy đủ trí tuệ và từ bi. Chúng ta tu theo Phật thì phải làm sao? Cũng phải đầy đủ hai phần này, bởi vậy có câu: “Phước tuệ lưỡng toàn phương tắc Phật”. Phước là từ bi, tuệ là trí tuệ, cả hai đều hoàn toàn mới tiến tới Phật quả được. Người tu mà thiếu phước, thiếu tuệ thì không bao giờ thành Phật.
Nguồn: Tổ đình Thường Chiếu
Tham khảo:
- Ý nghĩa mùa an cư kiết hạ 2023
- Ý nghĩa cúng dường trai tăng
- Cúng dường là gì? Ý nghĩa và công đức của việc cúng dường
- Bài tụng lễ Vu Lan đầy đủ nhất
- Ý nghĩa ngày Vu Lan trong đời sống của người Việt Nam
TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT
Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam