Giỏ hàng

Tam Tổ Trúc Lâm (Phần cuối)

Tổ thứ hai phái Trúc Lâm - Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330)

Thiền sư Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh ngày mùng 7 tháng 5 năm 1284 quê làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Khi còn bé, Ngài đã có thiên tư đỉnh ngộ, không nói lời ác, không ăn thịt cá và các thứ có vị cay nồng.

Lúc Ngài 21 tuổi (1304), Điều Ngự Giác Hoàng đang du hành khắp nơi ban pháp dược cho người nghèo, người bệnh, giúp dân phá bỏ dâm tự (miếu thờ thần không chánh đáng), Ngài đến xin xuất gia. Trông thấy Ngài, Điều Ngự nói: “Kẻ này có đạo nhãn, sau này hẳn là bậc pháp khí”, Giác Hoàng đặt tên cho Ngài là Thiện Lai. 

Dẫn về Kỳ Lân ở Linh Sơn cạo tóc và thọ giới, rồi Sơ Tổ dạy đến Quỳnh Quán tham học với Hòa thượng Tánh Giác. Ngài tìm đủ cách để thưa hỏi nhưng vẫn không thể khai ngộ. Một hôm, nhân đọc kinh Lăng Nghiêm, tới đoạn bảy chỗ tìm tâm và đoạn dụ khách trần, Ngài được chỗ vào, liền từ tạ Quỳnh Quán trở về tham yết Điều Ngự. Đang lúc Điều Ngự thượng đường, Ngài thưa hỏi và bỗng tỏ ngộ. Điều Ngự biết Sư đã ngộ, liền bảo theo hầu bên mình. 

Một hôm, sau 3 lần thưa thỉnh đều bị Giác Hoàng lắc đầu, đến lần thứ 4 Điều Ngự dạy tự tham cứu. Trở về phòng, đầu óc nặng trĩu… Đến nửa đêm, nhân thấy hoa đèn rơi, Ngài hoát nhiên đại ngộ, rồi đem trình lên Giác Hoàng, thầm nhận ấn khả. Từ đó Ngài thệ nguyện tu theo mười hai hạnh đầu đà.

Tam Tổ Trúc Lâm (Phần cuối) Thiền sư Pháp Loa

Nhị Tổ Pháp Loa (1284 - 1330)

Năm 22 tuổi (năm 1305), Ngài được Điều Ngự truyền giới Tỳ-kheo và Bồ Tát tại liêu Kỳ Lân, có pháp hiệu là Pháp Loa, được truyền y bát và tâm kệ làm Tổ thứ hai.

Năm 25 tuổi (năm 1308), làm lễ nối pháp trụ trì tại Cam Lộ Đường chùa Siêu Loại. Khi Điều Ngự viên tịch, Ngài phụng mạng cung nghinh xá lợi về kinh đô, trở về núi soạn lại những bài tụng mà Điều Ngự đã làm ở Thạch Thất thành tập Thạch Thất Mị Ngữ.

Trong những năm sau, Ngài được mời giảng trong Đại nội, hay giảng ở các chùa. Năm 1313, Ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang quy định chức vụ cho Tăng đồ. Chư Tăng từ đó mới có sổ bộ, đều do Ngài trông coi. Về sau cứ ba năm Ngài độ tăng một lần, mỗi lần trên dưới ngàn người.

Năm 47 tuổi (năm 1330) Ngài bệnh nặng. Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm rồi gọi thái y trị bệnh. Sau hai hôm bệnh trở nặng chúng vào thăm thưa thỉnh: “Người xưa lúc sắp tịch đều để kệ dạy đệ tử sao riêng Thầy không có?”, Ngài quở nhưng vẫn bảo đem giấy bút lại viết:

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi
Bên kia trăng gió rộng thênh thang 

Viết xong, Sư ném bút, an nhiên thị tịch.

Tổ thứ ba phái Trúc Lâm - Thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334)

Thiền Sư tên Lý Đạo Tái, sanh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Bắc Giang. Thân phụ là Huệ Tổ dòng dõi quan liêu, nhưng đến đời ông thì không thích công danh, chỉ ưa ngao du sơn thủy. Tuy có công dẹp giặc Chiêm Thành, mà ông không nhận chức quan. Thân mẫu họ Lê là người hiền đức. Nhà Ngài ở phía Nam chùa Ngọc Hoàng.

Năm 21 tuổi (1274), Ngài thi đỗ Tiến sĩ (Trạng nguyên). Cha mẹ tuy đã định hôn cho Ngài, nhưng chưa cưới. Sau khi thi đậu, nhà vua gả công chúa cho, Ngài vẫn từ chối. Ngài được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện và phụng mạng tiếp đón sứ Trung Hoa. Văn chương ngôn ngữ của Ngài vượt hơn sứ Trung Hoa, khiến họ phải nể phục.

Khi Ngài theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phụng Nhãn nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, Ngài chợt tỉnh ngộ duyên trước, khen ngợi quý mến, tự than: “Làm quan được lên đảo Bồng, đắc đạo thì đến Phổ Đà; đảo trên nhân gian là bậc tiên, cảnh giới Tây Thiên là cõi Phật. Sự giàu sang phú quý như lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên mến luyến?”. Ngài mấy phen dâng biểu xin từ chức để xuất gia tu hành. 

Năm 1305, Ngài xuất gia thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, theo làm thị giả Điều Ngự, được pháp hiệu là Huyền Quang. Về sau y theo lời phó chúc của Sơ Tổ, Sư theo hầu Nhị Tổ Pháp Loa. Ngài làm trụ trì ở chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Tử, vì ngưỡng mộ sở học uyên bác của Ngài, học chúng ở bốn phương tụ hội về tham vấn rất đông.

Tam Tổ Trúc Lâm (Phần cuối) Thiền sư Huyền Quang

Ban thờ Tam Tổ tại Thiền viện Giác Tâm - Hạ Long

Ngày rằm tháng giêng năm Quý Sửu (1313) vua Anh Tông mời về kinh, ở chùa Báo Ân giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, Ngài dâng chiếu xin về quê thăm viếng cha mẹ và lập chùa Đại Bi. Ngài trở về chùa Vân Yên, lúc đó đã 60 tuổi. Nhà vua muốn thử lòng Ngài nên cho Điểm Bích là một cung nhân tìm đủ cách khiêu gợi nhưng chẳng thể nào khiến Ngài khởi tâm tà, cuối cùng Điểm Bích đã dùng man kế lợi dụng lòng từ bi của Ngài, rồi về triều tâu dối với vua, khiến cho Ngài mang tai tiếng với nữ sắc. Nhưng sau cuộc lễ chẩn tế, thấy sự linh nghiệm lạ thường, nhà vua không còn nghi ngờ. Tuy vậy nhưng thế hệ ngày nay vẫn còn đặt nhiều nghi vấn.

Năm 1317, Ngài được Nhị Tổ Pháp Loa truyền y của Điều Ngự và tâm kệ.

Năm 1330, khi Tổ Pháp Loa tịch, Thiền Sư Huyền Quang kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, bấy giờ Ngài đã 70 tuổi. Tuy nhận trọng trách lãnh đạo Giáo Hội, song vì già yếu nên Ngài ủy thác mọi việc cho Quốc sư An Tâm, trở về trụ trì ở Côn Sơn.

Sư trụ trì ở Thanh Mai Sơn 6 năm. Kế sang Côn Sơn giáo hóa đồ chúng.

Đến ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (1334), Sư viên tịch tại Côn Sơn, 80 tuổi.

Vua Trần Minh Tông phong thụy là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ Tam Đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn giả.

Nguồn: Thiền Sư Việt Nam - Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article