Giỏ hàng

Trở về bản tâm

"Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình".

(Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục)

Khi ta càng chạy theo sáu trần thì càng xa, mắt mê sắc, tai theo tiếng, mũi đắm hương, lưỡi tham vị,…làm “khách” lang thang trong sáu trần, lang bạc nên ngày một xa cách quê nhà. Do đó để được cái vô sanh ta phải nên nhớ sống trở về cái bản tánh vốn có của mình.

Mỗi người chúng ta ai cũng đều có bản tâm cả, nhưng mấy ai nhìn nhận ra. Bởi lẽ ta quên đi cái gốc của mình là do quá quan tâm những chuyện của thiên hạ. Phải quấy, hơn thua, yêu ghét mà quên chuyện nhà mình. Ta phải sống sao cho thật hữu ích, ý nghĩa thì đó mới là quay trở lại cái gốc, trở về chơn tâm vốn có của mình.

Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy con người vốn là Phật, ta đối với người bằng tấm lòng từ bi, đối với mình thanh tịnh bình đẳng thì chính là đồng với Phật. Nhưng ngày nay ta tự làm cho tự tánh mê mờ, “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Chỉ cần hiện là tướng bất luận là tướng như thế nào, nhìn thấy được là tướng, nghe được là tướng, âm thanh là tướng, mũi ngửi được cũng là tướng. Lưỡi có thể nếm được tướng của chua, cay, mặn, ngọt, đắng đều gọi tướng. Sáu căn, sáu thức, sáu trần là hư dối, những hư dối này là tự tánh sanh, tự tánh hiện (tâm hiện).

Đâu ngờ tự tánh vốn tự đây đủ” - Lục Tổ. Trong tự tánh mỗi mỗi không thiếu, gặp duyên thì sanh vạn pháp, không duyên tự tánh thanh tịnh.

Sáu căn quên sáu trần

Hòa thượng Thích Thanh Từ dạy: “Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của ta là lục tặc mà cũng là lục thông. Chỉ khác một bên không biết tu để cho dính nhiễm, còn một bên biết tu gỡ bỏ không cho dính nhiễm”. Nếu không khéo điều phục thì sẽ đi vào đường mê.

Mắt sanh tâm phân biệt đẹp xấu, từ đó mà sanh tâm ưa thích, hay chê bai, ghét bỏ. ngay đó là bị “giặc” dắt đi rồi. Tai nghe lời khen, nghe nhưng lời trái ý mà sanh tâm vui mừng hay phiền não. Mũi ngửi mùi hương thì ưa thích hay hôi thối thì không ưa. Lưỡi nếm vị ngon dở; xúc chạm thì sanh thích thú khi chạm những gì êm ái, còn khó chịu khi chạm những thứ thô nhám,… Từ đó mà say mê, khó chịu chán ghét. Đến cái quan trọng là ý thức, nó vi tế mà chi phối mọi suy nghĩ, hành động của chúng ta. Như nhớ những giây phút hạnh phúc; những người yêu thương thì dễ chịu, còn nghĩ về những giây phút khó khăn, những người ta ghét thì khó chịu.

Như vậy sáu căn là lục tặc nếu “nuôi sáu đứa giặc phá phách này thì công đức chúng ta tiêu tan hết. Như vậy chúng ta tu là phải làm sao đừng để sáu căn dính nhiễm với sáu trần” - Sư Ông.

Trở về bản tâm

Muốn tâm an trụ và hàng phục được nó thì Đức Phật dạy không nên sanh tâm dính kẹt nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (Ảnh: Sư thầy và phật tử ngồi thiền định ở Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã)

Trong Kinh Kim Cang, Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Muốn tu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao con an trụ tâm và hàng phục tâm?”. Đức Phật nói: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Lục Tổ khi nghe đến đoạn Kinh này mà liền đại ngộ và thốt to lên: “Đâu ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt v.v…”, từ đó mà nhận được y bát của Ngũ Tổ.

Như vậy thì muốn tâm an trụ và hàng phục được nó thì Đức Phật dạy không nên sanh tâm dính kẹt nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn không bị dính kẹt sáu trần là an trụ tâm. Nhất là đối với Phật tử tu theo Thiền tông thì đây là đoạn Kinh vô cùng quan trọng như trong lúc tọa thiền nhưng tâm cứ theo sáu trần, nhớ đủ thứ việc, nhớ người này người nọ,…nên vọng tưởng không thể dừng. Nếu ngay đó biết mà dừng thì an ổn, tâm không dính mắc thì an trụ, thì sẽ tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như vậy tâm không dính mắc với sáu căn, sáu trần thì ngay đó được trở về bản tâm của mình.

Chấp thân là thật

Thân này là do tứ đại hòa hợp mà thành, như đất, nước, gió, lửa. Đất là chất cứng, nước là chất ướt, lửa là chất ấm, gió là chất động. Tất cả đều có chức năng và nhiệm vụ riêng, thiếu một đều không thành, không những thế mà còn phải vay mượn liên tục mới tồn tại được.

Vay mượn như thế nào? Ta vay mượn không khí để hít thở, vay mượn môi trường sống, thức ăn xung quanh mới hình thành cái thân vài chục kí lô. Cho đến những cái bé nhỏ như từng tế bào trong cơ thể; mọi thứ đều tạo điều kiện cho thân này sinh trưởng, phát triển.

Vậy hình thể vật chất này đâu có thực là thân của ta. Nếu thực là thân ta thì làm gì có chuyện thay tim, thay phổi, thậm chí là làm cả cơ quan nội tạng giả để vào cơ thể này nữa. Do đó chấp thân này là thật là mê lầm, nhưng nó chính là phương tiện để ta nương tựa mà tu hành.

Cho đến chấp tâm là thật cũng sai. Vì nó vô thường, thay đổi liên tục; có lúc nghĩ thiện, có lúc nghĩ ác, có khi nghĩ tốt, nhưng cũng lắm khi nghĩ xấu, cho đến nghĩ phải, nghĩ quấy,…

Trở về bản tâm1

Sư Ông Trúc Lâm dạy: “Tâm suy nghĩ chợt có chợt không, nếu là ta thì không suy nghĩ phải không có ta. Không ai có thể chấp nhận không suy nghĩ là không có mình, khi không suy nghĩ ta vẫn hiện hữu. Có khi đang suy nghĩ lăng xăng, nhìn lại tìm xem nó xuất xứ từ đâu, bỗng chúng mất dạng. Nhìn lại thì mất, tức nó không thật, cái không thật lại là ta thì ta là hư ảo. Thật tâm ta không phải nhiều thứ, không phải khi có khi không, không phải hư ảo, cần phải khảo sát tường tận mới được.” Chấp tâm suy nghĩ lăng xăng là tâm ta là không hợp lý.

Do đó “Thân không thật ta mà chấp là ta, tâm lăng xăng không phải ta mà chấp là ta, chấp cái không thật không phải là ta, thì cái thật cái phải ta bị che khuất. Cái thật ta bị che khuất là “quên mất mình”, đập tan cái che khuất thì cái thật ta bày hiện là công phu tu thiền thành công.” Ngay đó trở về bản tâm của mình.

Tóm kết

Để thành tựu việc trở về nhà không dễ. Muốn trở về nhà thì phải đi con đường đúng, đó là thực hành con đường chánh Pháp thì mới có thể trở về nhà. 

Ngài Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng sĩ về yếu chỉ Thiền tông, Thượng sĩ đáp: “Hãy quay về tự thân chứ không tìm ở đâu khác” (Phản quan tự kỷ bổn phận sự). Soi sáng lại chính mình là để không quên mất mình, nhìn rõ cái phiền não mà dẹp bỏ nó, phá tan định kiến che mờ chân lý.

Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói về chàng cùng tử sống trong cảnh nghèo khốn, khổ sở, lang thang khắp nơi mà không dám nhận người cha trưởng giả già sang. Thấy cha lại sinh sợ sệt. Giống như chúng ta đã sẵn có bản tâm lại không nhìn nhận ra của báu của mình, mà cứ mãi làm chàng cùng tử lang thang không dám nhận thân phận giàu sang.

Tất cả cái quý trên thế gian không cái quý nào bằng “mạng sống”. Tất cả cái biết quan trọng trên thế gian, không cái biết quan trọng nào bằng “biết mình. Trọn đời Đức Phật chỉ làm hai việc: Tìm cho ra cái không thật và cái thật mình, chỉ dạy mọi người xoay lại tìm mình để thấy rõ chân tướng chính mình. Phương pháp dạy xoay lại tìm mình tức là “phản quan tự kỷ” chính là pháp tu thiền. Cái trọng đại của con người là biết mình, dù chúng ta biết khắp năm châu, biết khắp vũ trụ, cũng không bằng biết rõ chính mình. Đem hết cuộc đời để nghiên cứu truy tìm cho ra vấn đề trọng đại này đâu phải là việc tầm thường, hướng dẫn người nghiên tầm cho ra vấn đề này đâu phải là việc không cấp thiết. Đã thấy vấn đề quan trọng cấp thiết này rồi, chúng tôi quyết tâm trọn đời phải nghiên tầm cho ra, hướng dẫn người phải thực hành cho được, đây là bản hoài sở nguyện của chúng tôi” - HT. Thích Thanh Từ.

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

Thương Hiệu Bán Trầm Hương Đốt Vi Sinh Uy Tín Việt Nam

0977023696
article