Giỏ hàng

Ý nghĩa ba ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm

Hằng năm, cứ đến ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm mỗi người con Phật lại thành tâm hướng trọn lòng thành để tưởng nhớ tới Bồ Tát với hạnh nguyện rộng lớn, cứu độ chúng sinh thoát khỏi biển khổ trầm luân. Vậy ngày vía của Bồ Tát là ngày nào,  có ý nghĩa gì? Hãy cùng Trầm Tuệ tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Ngày vía là gì? 

Ngày vía một từ ngữ quen thuộc trong Phật giáo. Ngày vía là ngày sinh, ngày kỷ niệm, ngày tưởng nhớ đến công hạnh của các vị Phật, các vị Bồ Tát, các vị Thánh,… Cho nên một vị Phật, Bồ Tát sẽ có nhiều ngày vía khác nhau trong năm.

Bồ Tát Quán Thế Âm là nam hay nữ?

Thông thường, chúng ta hay được nghe gọi là mẹ Quán Thế Âm hay mẹ hiền Quán Thế Âm, đó là một các gọi dân dã nhưng kỳ thực chúng ta nên biết mười phương chư Phật không hề có nữ thân. Trong kinh Đại nhật và kinh Bi hoa, đức Bổn Sư Thích Ca đã từng dạy rằng, đức Quán Thế Âm Bồ Tát đời quá khứ đã thành Phật hiệu là chánh pháp Như Lai vào thuở lâu xa vô lượng kiếp về trước. Vì bi nguyện độ sanh mà Ngài thị hiện làm thân Bồ tát. Cũng trong kinh Bi Hoa, đức Phật luôn luôn gọi đức Quan Thế Âm Bồ Tát là "Thiện-nam-tử" tốt. Vậy đức Quan Thế Âm Bồ Tát không thể nào là nữ nhân được. 

Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Bồ tát Quán Thế Âm có thần lực tự tại, có khả năng ứng hiện vô số thân để cứu độ chúng sinh. Ngài có thể hiện thân Phật, Duyên giác, Thanh văn, Phạm vương, Đế thích, Sa môn, Trưởng giả, Cư sỹ, Phụ nữ, Trời và Thần vv… để thực hiện hạnh nguyện làm lợi ích chúng hữu tình.

Như vậy, không nhất thiết Ngài chỉ thị hiện nữ thân mà là vô số thân. Nhưng do niềm tịnh tín của các dân tộc vùng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì hình ảnh người Mẹ hiền, thương chúng sinh như con đỏ, thường che chở, gia hộ và tưới mát những tâm hồn khổ đau của Ngài, rất được quần chúng nhân dân ngưỡng mộ và tôn thờ. Vì vậy, tượng Ngài được thờ phụng khắp nơi đa phần là thân nữ. Tuy nhiên, một vài ngôi chùa ở miền Bắc và Trung Quốc, tôn tượng của Ngài được thờ phụng là thân nam.

Ý nghĩa danh hiệu Quán Thế Âm

Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị cổ Phật, vì hạnh nguyện nên Ngài đã hiện thân Bồ Tát mà gần gũi với chúng sinh để cứu khổ, ban vui. Bồ Tát âm là Bồ Đề Tát Tỏa, là một vị hữu tình giác ngộ và đem sự giác ngộ đó giác ngộ lại cho người khác (giác hữu tình), độ thoát và cứu độ cho chúng sinh giúp họ có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Quan Thế Âm Bồ Tát theo tiếng Phạn Avalokitesvara nghĩa là Ngài nghe tiếng kêu thầm kín thiết tha từ tâm khảm chúng sanh trong thế gian mà đến cứu khổ. 

Quán là quán xét, tìm tòi, biết rõ ràng về đối phướng; Thế là thế gian cuộc đời, cuộc sống của người dân; Âm là âm thanh, tiếng kêu cứu thỉnh cầu của chúng sinh đang đau khổ. Vậy Quán Thế Âm Bồ Tát có nghĩa là một vị Bồ Tát thường xuyên tìm tòi những tiếng kêu cứu khổ của chúng sinh trong thế gian mà đến giúp họ. Ngài mang lòng từ bi, nhân ái, vị tha để cứu tất cả mọi người không phân biệt ai , giống như người mẹ cứu những đứa con của mình.

ý nghĩa ngày vía đức Bồ Tát Quán Thế Âm

Ý nghĩa ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm

Trong một năm có 3 ngày vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát:

  • Ngày 19/02 âm lịch là vía Quán Thế Âm đản sinh
  • Ngày 19/06 âm lịch là vía Quán Thế Âm thành đạo
  • Ngày 19/09 âm lịch là vía Quán Thế Âm xuất gia

Ý nghĩa số 19 trong ngày vía Quán Thế Âm

Mỗi người chúng ta đều có sáu căn, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu giác quan này có sáu đối tượng gọi là sáu trần, mắt thì đối sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi hương, lưỡi đối với vị nếm, thân đối với xúc chạm, ý thì đối với phân biệt.

Sáu căn duyên với sáu trần bên ngoài sinh ra sáu phân biệt gọi là sáu thức: Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, ý thức. Thức là phân biệt; hễ còn phân biệt còn khổ nên người tu phải chuyển thức thành trí (vô sư trí). Có trí thì hết khổ.

Vậy nên sáu căn, sáu trần, sáu thức và Trí là 19, do đó ngày vía Quan Âm là 19.

Ý nghĩa ngày 19/02

Con người thường hay phân biệt (nhị biên), buồn - vui, thương - ghét, thuận - nghịch, sự - lý,…Do ta chấp trước mà gây ra nhiều đau khổ. Nhờ trí tuệ mà chuyển được hai cái chấp đối nghịch này thành như thật, nhất như không còn chấp trước. Thể hiện cho chơn đế và tục đế, lý sự được viên dung.

Ý nghĩa ngày 19/06

Khi Bồ Tát đã chuyển thức thành trí thì Ngài dùng pháp môn lục độ Ba-la-mật tức là dùng sáu pháp độ chúng sinh qua được bờ giải thoát, giác ngộ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.

Do làm tất cả hạnh nguyện với tinh thần Ba-la-mật, nên viên dung giữa mình và người, không có tâm mong cầu sở hữu, đồng cảm với cái khổ người. Nhờ thế mà giúp được người một cách trọn vẹn.

Ý nghĩa ngày 19/09

Theo pháp môn niệm Phật cho rằng ai niệm danh hiệu Phật thì khi mất đi sẽ được vãng sinh Tịnh độ; nhưng tùy theo công năng niệm Phật, tùy theo phẩm hạnh của thần thức vị được vãng sinh mà sẽ có hóa hiện một hoa sen tương ứng. Tựu trung có 9 phẩm sen tương ứng với 9 loại căn cơ phẩm hạnh vãng sinh.

Cửu Phẩm Liên Hoa gồm có: Thượng phẩm, Trung phẩm và Hạ phẩm.

  • Thượng phẩm: Thượng phẩm thượng sinh, Thượng phẩm trung sinh, Thượng phẩm hạ sinh
  • Trung phẩm: Trung phẩm thượng sinh, Trung phẩm trung sinh, Trung phẩm hạ sinh
  • Hạ phẩm: Hạ phẩm thượng sinh, Hạ phẩm trung sinh, Hạ phẩm hạ sinh

Ý nghĩa hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm

Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện ở cõi thế gian này thành nhiều hình tướng khác nhau tùy theo hoàn cảnh kêu khổ của chúng sinh. Hình tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát thường thấy nhất trong các chùa là tay phải Ngài cầm cành dương liễu tượng trưng cho đức nhẫn nhục, tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ tượng trưng cho tâm từ bi.

Trong bình thanh tịnh chứa nước cam lồ, nước cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi. Nước này rưới tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sinh. Đặc điểm của nước cam lồ là vừa ngọt vừa mát… Khi chúng ta thương mọi người, muốn giúp họ đến với đạo để tu hành, tâm hồn được trong sạch an vui, đó là lòng từ bi. Nhưng nếu thiếu đức nhẫn nhục thì khó bảo vệ được Phật sự lâu dài, cho nên phải có đức nhẫn nhục. Khi có những bất đồng, có những người không hợp đạo lý, chúng ta cũng ráng ẩn nhẫn bỏ qua, để cùng hòa thuận với nhau giúp đỡ xây dựng nhau. Như thế khả dĩ Phật sự bền lâu được” - Hòa Thượng Thích Thanh Từ.

Nếu muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc quý trọng tôn kính đến Bồ Tát Quán Thế Âm, thì chúng ta nên tu theo hạnh nguyện của Ngài. Đó chính là tu hạnh nhẫn nhục, tu hạnh từ bi để thương yêu đồng loại, làm lợi ích cho chúng sinh. Đồng thời thiện căn luôn luôn tăng trưởng, đạo lực ngày càng vững đủ sức vượt qua khi gặp các chướng duyên, phước đức sẽ sâu dày ở nhiều đời nhiều kiếp sau.

Tham khảo:

TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

0977023696
article