Giỏ hàng

Gợi ý mâm cỗ chay dễ làm ngày Rằm tháng 7 ngon đẹp, tiết kiệm chi phí

Bạn bận rộn, không có nhiều thời gian nấu nướng? Bạn chưa quen nấu cỗ chay? Nơi bạn sống không có sẵn các gia vị, nguyên liệu chay chuyên biệt? Bạn muốn tự tay nấu một mâm cỗ chay vừa ngon vừa đẹp, chi phí thấp mà cách thực hiện lại không quá phức tạp? Hãy để Trầm Tuệ gợi ý giúp bạn nhé!

Gần đây, ăn chay đã trở nên phổ biến và xu hướng chuyển sang nấu cỗ chay dịp lễ tết đang tăng lên. Mọi người mong muốn được tự tay chế biến mâm cơm chay cúng ông bà ngày Rằm tháng 7 hay lễ Tết để tỏ bày tâm thành kính. Thế nhưng đa số các bạn chưa biết cách nấu một mâm cỗ chay như thế nào. Bên cạnh đó, giữa thời buổi bận rộn, thời gian eo hẹp, việc mua các nguyên liệu chay chuyên biệt không phải nơi nào cũng sẵn có khiến mọi người lúng túng. 

Thấu hiểu những điều đó, đội ngũ Trầm Tuệ đã tự xây dựng 1 menu, thực hiện nấu và chia sẻ công thức với suy nghĩ đây có thể là một gợi ý giúp các bạn tự tin vào bếp dịp Tết này. Khác với mâm cỗ chay chúng tôi đã chia sẻ 2 năm trước, năm nay Trầm Tuệ thực hiện dựa trên các tiêu chí như ở trên. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cân nhắc yếu tố mâm cỗ dành cho gia đình có 3 thế hệ: các món ăn mềm, thanh đạm cho người lớn tuổi, món ăn chơi dành cho các bạn nhỏ. Chúng tôi tin rằng, với công thức này các bạn dù chưa quen nấu đồ chay đều có thể dễ dàng thực hiện.

*Chú thích: muỗng canh: mc, muỗng cà phê: mcf

1. Bánh mì nhồi nấm đậu chiên giòn

Nguyên liệu: 

• 1 chiếc bánh mì dài (hoặc 2- 3 ổ bánh mì). Nên chọn bánh nhỏ đặc ruột
• 3 miếng đậu nhỏ (200g)
• 5 cái nấm hương tươi (hoặc nấm hương khô ngâm mềm)
• Hạt tiêu
• Hạt nêm chay

Cách làm:

  • Đậu phụ bóp nhuyễn. Nấm rửa sạch, cắt thật nhỏ
  • Trộn đều các nguyên liệu: đậu, nấm với hạt nêm, hạt tiêu. Nhồi kỹ
  • Bánh mì cắt thành từng lát dày khoảng 3 - 4 cm. Lấy tay ấn nhẹ giữa lát bánh mì. Nhồi đậu vào từng lát bánh, ấn chặt để nhân dính kết với bánh mì
  • Cho bánh mì vào chiên vàng giòn 2 mặt. Khi ăn chấm với tương ớt

Lưu ý: Để đậu kết dính tốt, nên chọn đậu ngon mềm mịn, cho vào vải màn vắt hết nước hoặc để đậu trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm rồi mới chế biến.

2. Cải thảo xốt dầu hào

Nguyên liệu:

  • 300g rau cải thảo
  • 2 mc dầu hào chay (nếu không có thì thay bằng nước tương)
  • Hạt nêm chay
  • 2 mcf bột năng

Cách làm:

  • Cải thảo rửa sạch, cắt khúc dài khoảng 5 cm
  • Luộc chín cải trong nước có bỏ chút muối và 1 xíu dầu ăn. Khi rau chín vớt ra đĩa (các bạn luộc chín tới sẽ ngon hơn)
  • Nước xốt: Pha dầu hào với 20 ml nước + bột năng + hạt nêm chay + 1 chút dầu ăn. Đổ hỗn hợp vào nồi đun sôi vài phút rồi rưới lên rau. Các bạn làm nước xốt đậm đà một chút thì rau vừa ăn, không bị nhạt

3. Canh củ quả thập cẩm


Tận dụng nước luộc rau củ quả và các nguyên liệu của món trên, các bạn có thể nấu một nồi canh củ quả thập cẩm ngon mắt, bổ dưỡng.
Nguyên liệu:

  • 100g khoai tây 
  • 50g cà rốt
  • 50g củ dền 
  • 50g bông cải xanh/trắng (súp lơ)
  • 50g su su
  • Hạt nêm chay, muối (đường tùy thích)

Cách làm:

  • Tất cả các nguyên liệu trên rửa sạch, thái nhỏ như con xúc xắc
  • Cho lần lượt: củ dền, cà rốt, khoai tây vào nấu tới khi chín mềm. Nêm hạt nêm, muối vừa ăn
  • Cho tiếp các loại củ còn lại vào nấu chín
  • Rắc thêm 1 ít rau mùi và hạt tiêu nếu thích

4. Đậu phụ non xốt nấm kim châm 

Nguyên liệu:
• 150g đậu hũ non
• 100g nấm kim châm
• 1 mc nước tương (xì dầu)
• 3 mcf hạt nêm
• 1 mcf hạt tiêu
• 2 mcf bột năng

Cách làm:

  • Đậu hũ non để nguyên miếng, trụng qua nước sôi, sau đó đặt lên đĩa sâu, lấy dao cắt miếng dày cỡ 1.5 - 2 cm
  • Nấm kim châm cắt bỏ chân, rửa nhanh qua nước muối pha loãng, rồi cắt ngắn khoảng 2 cm. Cho nấm vào xào cùng nước tương, hạt nêm khoảng 5 - 7 phút. Thêm bột năng (đã hoà cùng 30ml nước) để tạo độ sánh. Chờ nấm sôi lại thì tắt bếp, rưới xốt lên đậu

5. Nấm bào ngư hấp sả chấm mắm gừng

Nguyên liệu:

  • 300g nấm bào ngư (nấm sò)
  • 3 cây sả
  • Nước mắm chay, muối
  • Gừng, quất (tắc), ớt, đường; lá chanh 

Cách làm:

  • Củ sả rửa sạch, phần non thái mỏng chéo, phần già đập dập xếp vào đĩa. Đặt vào xửng hấp
  • Khi xửng hấp đã nóng, cho nấm vào đĩa, thêm sả và lá chanh, rắc thêm 1 xíu muối. Đậy vung, hấp khoảng 10 phút, nấm chín tới thì lấy ra khỏi xửng. Khi ăn chấm với nước mắm gừng
  • Pha nước chấm: Nước mắm chay + đường + trái tắc + gừng đập dập + ớt + lá chanh thái sợi

Lưu ý: Các bạn có thể dùng nấm bào ngư trắng nhưng bào ngư nâu sẽ ngon hơn. Nên mua nấm thật tươi thì sẽ giòn ngọt, nấm để lâu sẽ có mùi ngái ăn không  ngon. 

6. Nấm đùi gà kho gừng

Nguyên liệu: 

  • 300g nấm đùi gà
  • 4 mc nước tương
  • 1 ít gừng tươi, ớt tươi
  • 2 mcf đường

Cách làm:

  • Gừng gọt vỏ, xắt sợi cùng ớt
  • Nấm đùi gà cắt miếng vừa ăn
  • Chiên nấm với lửa to thì nấm sẽ không bị ra nhiều nước. Khi nấm hơi vàng thì vớt ra đĩa
  • Cho một chút dầu ăn vào nồi, phi gừng lên cho thơm. Tiếp theo cho nước tương, đường, ớt vào chưng cho hơi sánh lại. Sau đó, cho nấm vào đảo đều khoảng 5 - 10 phút. Thêm tiêu vào đảo đều rồi tắt bếp

7. Nấm kim châm chiên giòn xóc muối

Nguyên liệu: 
• 100g nấm kim châm
• 50g bột chiên giòn
• 2 mcf muối tiêu/ muối ớt/ muối sả

Cách làm:

  • Nấm kim châm cắt bỏ chân, rửa nhanh qua nước muối pha loãng
  • Cho nấm vào 1 chiếc khăn sạch, vắt thật ráo, Càng ráo càng tốt, lưu ý vắt sao để nấm không bị gãy
  • Lấy tay tách rời từng sợi nấm, cho vào tô. Rắc bột chiên giòn vào trộn đều
  • Bắc chảo lên bếp, đổ ngập dầu. Chờ dầu ăn thật sôi cho nấm vào chiên vàng. Các bạn nhớ chiên từng ít một, lấy đũa đảo nhẹ để nấm không dính chùm vào nhau. Khi nấm vàng thì vớt ra để lên đã lót sẵn giấy thấm dầu. Khi nấm nguội thì rắc muối, xóc đều

Lưu ý: Khi nào chiên mới trộn bột, nếu trộn sớm, nấm ra nước lúc chiên sẽ dính cục vào nhau. Nên chiên ít một sẽ ngon hơn.

 

 

    8. Rau củ luộc chấm kho quẹt

    Nguyên liệu:

    • ½ chén nhỏ nước tương
    • 3 mc đường
    • 3 chiếc nấm đông cô tươi/nấm đùi gà/nấm hương tươi
    • Hạt tiêu, ớt tươi

    Cách làm:

    • Nấm đông cô xắt nhỏ như hạt lựu
    • Sau đó cho nấm đông cô vào xào khoảng 5 phút
    • Cho nước tương, đường, tiêu, ớt vào nấu lửa vừa, khi thấy mắm hơi keo keo lại là được
    • Món này có thể dùng thêm boa rô phi thơm nếu có

      9. Su hào trộn tắc chua ngọt

      Nguyên liệu:

      • Su hào
      • Cà rốt
      • Trái tắc (quất)
      • Đường; Muối
      • Ớt tươi, ớt bột Hàn Quốc (không có cũng được)
      • Nước mắm chay (không có cũng được)

      Cách làm:

      • Su hào, cà rốt gọt sạch vỏ, cắt miếng nhỏ dài cỡ ngón tay út. Cho vào tô, rắc muối và đường, xóc đều để khoảng 60 - 90 phút sau đó mang ra xả lại nước vài lần, xả lại nước sôi để nguội
      • Trộn su hào với nước cốt trái tắc, nêm thêm muối đường vừa ăn, cho thêm ớt tươi, ớt bột trộn đều rồi để thêm khoảng 60 - 90’ là có thể ăn được
      • Món này có thể làm nhiều, để tủ lạnh ăn trong 2 - 4 ngày

      10. Xôi nấm


      Nguyên liệu:

      • Gạo nếp
      • Nấm đông cô tươi hoặc nấm hương khô đã ngâm mềm
      • Nước tương
      • Hạt nêm chay, hạt tiêu

      Cách làm:

      Món này Trầm Tuệ dùng nồi cơm điện nấu nên không cần ngâm gạo lâu, chỉ cần ngâm gạo khoảng 30 phút rồi nấu. Các bạn có thể chọn cách hấp bằng xửng hấp.

      • Gạo vo sạch, để ráo khoảng 20 - 30 phút rồi cho vào nồi cơm điện, đổ nước xăm xắp mặt gạo, cho thêm 1 ít muối. Bật nấc nấu cơm (tuỳ vào loại gạo để tăng giảm lượng nước, ở đây Trầm Tuệ dùng nếp cái hoa vàng)
      • Nấm rửa sạch, cắt nhỏ như hạt lựu
      • Cho nấm vào xào với nước mắm chay, nước tương, hạt nêm. Xào lửa vừa khoảng 10 phút. Các nguyên liệu khô 1 chút thì tắt bếp. Cho nấm ra đĩa hay tô
      • Khi xôi chín thì cho nấm vào trộn đều lên sau đó bật nấc nấu thêm 10 phút nữa là được
      • Món này có thể để nguội, khi ăn hấp lại một lần nữa thì sẽ ngon hơn

      Trên đây là 10 món ăn cho mâm cỗ chay Rằm tháng 7 đơn giản và đẹp mắt. Muốn biết thêm những món chay thường ngày khác, các bạn nhớ thường xuyên theo dõi Góc Chay Tuệ. Chúc các bạn thành công nhé!

      Tham khảo:

      TRẦM TUỆ: LAN TỎA NIỀM TIN - SẺ CHIA CHÂN THẬT

      0977023696
      article